Ngày 17-4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X.
Điều chuyển cán bộ có dấu hiệu tham nhũng
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đề cập đến chuyên đề nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ban Tổ chức Thành ủy được phân công chủ trì, xây dựng báo cáo chuyên đề này, đồng thời phối hợp với Ban Nội chính Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xây dựng báo cáo chuyên đề bố trí lại cán bộ khi người đứng đầu vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về trách nhiệm người đứng đầu và các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.
Ông Nhân cho rằng để kết luận một cán bộ, đảng viên có tham nhũng là rất khó vì phải theo trình tự, thủ tục chặt chẽ và có bản án có hiệu lực của tòa án. Trong khi đó, trên thực tế những biểu hiện liên quan đến tham nhũng gắn với trách nhiệm người đứng đầu thì có thể kiểm tra, đánh giá được mà không cần phải chờ tòa án xét xử. Qua đánh giá, nếu xác định có vi phạm thì cán bộ, đảng viên đó sẽ bị nhắc nhở hoặc sắp xếp lại vị trí công việc. “Cách tiếp cận hiện nay là không đợi đến khi tòa xét xử” - ông Nhân khẳng định và nhấn mạnh đến sức mạnh của tổ chức đảng và chính quyền trong việc kiểm tra, giám sát để đánh giá và sắp xếp lại.
Theo ông Nhân, việc sắp xếp lại có khi không phải là một hình thức kỷ luật nhưng đó là sự cụ thể hóa nghị quyết của trung ương liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu. Do đó, bất kỳ trường hợp nào có biểu hiện và xét thấy cần thiết thì sẽ sắp xếp lại.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đang trao đổi với đại biểu tại hội nghị. Ảnh: T.LÂM
Chọn vụ việc nổi cộm, dân bức xúc để giải quyết
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang đã báo cáo về kết quả thực hiện Quy định 1374 ngày 1-12-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quý I-2018.
Ông Cang cho biết trong quý I-2018, Tổ công tác 1374 đã rà soát và ghi nhận có 59 thông tin từ bốn nguồn thông tin. Trong đó có 35 thông tin phản ánh vi phạm thực hiện chức trách công vụ do việc chậm giải quyết những kiến nghị, bức xúc của nhân dân; 14 thông tin phản ánh vi phạm về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tám thông tin về phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
Ngoài các thông tin không đủ cơ sở để giải quyết, còn lại 55 thông tin, Tổ công tác 1374 đã thành lập năm đoàn giám sát tại tám cơ quan, đơn vị để giám sát việc chỉ đạo xử lý 20/55 thông tin phản ánh. Kết quả đã xử lý được 14 thông tin. Với 35 thông tin còn lại, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã gửi văn bản đề nghị báo cáo kết quả xử lý theo quy định. Đến nay có 14/35 thông tin đã được giải quyết.
Ông Cang cho rằng các cấp ủy mới bước đầu tập trung chỉ đạo giải quyết nội dung thông tin phản ánh mà chưa chỉ đạo làm rõ trách nhiệm và xem xét, kỷ luật các tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Việc giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại có trường hợp còn kéo dài, chưa đồng bộ, thiếu nhất quán, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa quận/huyện và sở/ngành.
Từ đó, ông Cang cho rằng cấp ủy và thường trực cấp ủy phải tăng cường đi cơ sở, chọn địa bàn, lĩnh vực, vụ việc nổi cộm, bức xúc của địa phương, đơn vị để tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không để kéo dài. “Cần xác định việc giải quyết nội dung thông tin phản ánh liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy, của người đứng đầu cơ quan, đơn vị” - ông Cang nói và yêu cầu cấp ủy các cấp cần rà soát, chỉ đạo xem xét, xử lý các vụ việc còn tồn đọng, kéo dài, chậm giải quyết, giải quyết không có hiệu quả từ bốn nguồn thông tin phản ánh tại địa phương, đơn vị mình. Phải công khai rộng rãi kết quả xử lý.
Cán bộ phải soi lại mình để tiến bộ
Về vấn đề trên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trong hai tháng tới đây, ở những đơn vị, địa phương chưa có Tổ công tác 1374 về triển khai quy định này thì cần phải triển khai sớm. “Bản chất của vấn đề này là nghe dân để tiến bộ, nghe dân ở tất cả các kênh, cấp ủy nghe, chính quyền nghe... để chúng ta sửa theo yêu cầu của dân và tự soi lại mình” - ông Nhân nói.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết vừa qua Bộ Chính trị đã họp bàn một số nội dung liên quan đến Đại hội Đảng khóa XIII vào năm 2020 và khẳng định tại đại hội kỳ tới sẽ không có chạy chức.
Đối với TP.HCM, ông Nhân cũng khẳng định Đại hội Đảng bộ TP khóa XI sẽ không có chạy chức. “Đó là thông điệp của đại hội. Mọi khi chúng ta khổ sở về chuyện này. Nay phải truyền đạt tinh thần này cho đảng viên và người dân biết” - ông Nhân nói và khuyến cáo rằng ai có ý định chạy chức thì đừng làm, mệt thêm, mất công đi giám sát, xử lý.
Phải nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân còn chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc. Đối với vụ việc cô giáo Trần Thị Minh Châu, Trường THPT Long Thới (Nhà Bè), suốt ba tháng đứng lớp không nói, chỉ ghi lời giảng lên bảng, ông Nhân cho rằng xử lý vụ việc quá chậm và cách quản lý giáo dục như vậy chưa đạt yêu cầu. Từ đó ông Nhân yêu cầu cần phải nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo, nhà giáo yếu kém như vừa qua. Không thể chấp nhận tiếp tục kéo dài vụ việc như thế. Đối với vụ cháy chung cư Carina ở quận 8, ông Nhân yêu cầu lãnh đạo các quận/huyện, sở/ngành quan tâm đến PCCC. “Khái quát lại bài học cháy chung cư Carina cho thấy quản lý chúng ta còn thiếu sót, sơ hở. Nhiều chung cư vi phạm đã phạt nhưng không khắc phục ngay lúc đó. Đến tháng 6 này phải xếp hạng chung cư an toàn, cái nào yếu kém thì dân sẽ gây áp lực khắc phục” - ông Nhân nói. |