Tại Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X diễn ra sáng nay, 17-4, ông Tất Thành Cang đã báo cáo về kết quả thực hiện Quy định 1374 ngày 1-12-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quý I-2018. Đây được xem là kênh xử lý thông tin về suy thoái. Kênh thông tin phản ánh được xác định qua bốn nguồn gồm: Ý kiến cử tri; hoạt động giám sát của cơ quan dân cử; thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân và nguồn thông tin thứ tư là qua phản ánh của báo chí.
Ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM. Ảnh: TÁ LÂM
Ông Cang cho biết trong quý I, Tổ công tác 1374 đã rà soát và ghi nhận có 59 thông tin từ bốn nguồn thông tin. Trong đó có 35 thông tin phản ánh vi phạm thực hiện chức trách công vụ do việc chậm giải quyết những kiến nghị, bức xúc của nhân dân, 14 thông tin phản ánh vi phạm về khiếu nại tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo, tám thông tin về phòng chống tham nhũng, lãng phí…
Ngoài các thông tin không đủ cơ sở để giải quyết, còn lại 55 thông tin, Tổ công tác 1374 đã thành lập năm đoàn giám sát tại tám cơ quan đơn vị để giám sát việc chỉ đạo xử lý 20/55 thông tin phản ánh. Kết quả đã xử lý được 14 thông tin. Với 35 thông tin còn lại, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã gửi văn bản đề nghị báo cáo kết quả xử lý theo quy định. Đến nay có 14/35 thông tin đã được giải quyết.
Ông Cang cho rằng Quy định 1374 được TP xem là một công cụ mới trong công tác giám sát, xây dựng Đảng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Thành ủy, nhiều cơ quan đơn vị và người đứng đầu chưa nắm chắc mục đích, nội dung quy trình thực hiện Quy định 1374, còn lúng túng trong phân loại, chỉ đạo giải quyết thông tin phản ánh. Thông tin tiếp nhận chủ yếu là từ đơn phản ánh, khiếu nại tố cáo của người dân gửi đến HĐND TP, chưa có thông tin phản ánh từ ý kiến cử tri. “Các cấp ủy mới bước đầu tập trung chỉ đạo giải quyết nội dung thông tin phản ánh mà chưa chỉ đạo làm rõ trách nhiệm và xem xét, kỷ luật các tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Việc giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại có trường hợp còn kéo dài, chưa đồng bộ, thiếu nhất quán, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa quận huyện và sở ngành” - ông Cang nói.
Từ đó, ông Cang rút ra một số kinh nghiệm trong việc thực hiện Quy định 1374, trong đó nhấn mạnh đến việc cấp ủy và thường trực cấp ủy phải tăng cường đi cơ sở, chọn địa bàn, lĩnh vực, vụ việc nổi cộm, bức xúc của địa phương, đơn vị để tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không để kéo dài. “Cần xác định việc giải quyết nội dung thông tin phản ánh liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy, của người đứng đầu cơ quan, đơn vị” - ông Cang nói và yêu cầu cấp ủy các cấp cần rà soát, chỉ đạo xem xét, xử lý các vụ việc còn tồn đọng, kéo dài, chậm giải quyết, giải quyết không có hiệu quả từ bốn nguồn thông tin phản ánh tại địa phương, đơn vị mình. Phải công khai rộng rãi kết quả xử lý. Ông Cang cũng cho rằng trong quá trình triển khai Quy định 1374 cần phải xác định rõ phạm vi điều chỉnh là các tập thể, cá nhân có đủ cơ sở để xác định là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xác định trách nhiệm của người đứng đầu là phải giải quyết những nội dung phản ánh và các tập thể, cá nhân bị phản ánh. Ông Cang cũng cho rằng cần phát huy việc nắm bắt dư luận xã hội để nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, nhân dân của địa phương, đơn vị mình và tập trung chỉ đạo xử lý, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, hạn chế những vấn đề phát sinh dẫn đến việc phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân.