Nhân dịp Tết Mậu Tuất 2018, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc trả lời báo chi xung quanh vấn đề thực hiện Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Pháp Luật TP.HCM xin trân trọng đăng bài phỏng vấn này.
Ông Nguyễn Thiện Nhân trả lời báo chí. Ảnh: TÁ LÂM
Tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt 8,25%
. Phóng viên: Những thành tựu trong năm 2017 được thể hiện như thế nào trên các mặt, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Thiện Nhân: Cùng với cả nước, năm 2017 là năm TP.HCM đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần chung vào những thành tựu của cả nước. Trước hết, TP tiếp tục là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là đầu tàu kinh tế. Nếu năm 2016 tăng trưởng là 8,05%, thì năm 2017 tăng lên 8,25%. Điều đó giúp giữ vững tỉ trọng đóng góp của TP.HCM là 22%.
Hai là thu ngân sách, những năm qua trung bình mỗi năm đóng góp được 27-28% ngân sách cả nước. Trong năm 2017, chỉ tiêu giao khá nặng, hơn 347.000 tỉ, tức trung bình mỗi ngày phải góp 1.000 tỉ, kết thúc năm đã vượt chỉ tiêu, việc này rất có ý nghĩa.
Ba là thu hút đầu tư nước ngoài. Trong 5 năm trở về trước, xu hướng thu hút đầu tư nước ngoài có gặp khó khăn. Năm 2016 thu hút được 3,46 tỉ USD, năm 2017 là 6,3 tỉ, tức là tăng hơn 85%, đây là kết quả rất đáng khích lệ. Nhờ vậy tổng đầu tư nước ngoài của TP.HCM năm ngoái chiếm 13% thì nay chiếm gần 18%.
Bên cạnh đó, các hoạt động về văn hóa xã hội tiếp tục được giữ vững và nâng cao. Đặc biệt năm vừa rồi có hai sự kiện lớn là kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ và 100 năm Cách mạng Tháng 10 Nga, tổ chức nhiều hoạt động được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Ngoài ra còn các hoạt động thiết thực kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Lào và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Campuchia. Vấn đề trật tự trị an, quốc phòng an ninh được giữ vững... Đó là những thành tựu nổi bật.
Bốn nhóm giải pháp đầu vào
Nhưng dưới góc độ quản lý thành phố, thì chúng ta đã tạo được những đổi mới đầu vào rất quan trọng và phải phát huy được tác dụng trong năm 2018 và sau này.
Thứ nhất, chúng ta đã quan tâm tìm cơ chế tạo vốn cho TP. Bấy lâu nay, vấn đề rác người dân rất bức xúc, trước đây chôn là chủ yếu. Nay TP quyết tâm, thực hiện nghị quyết của HĐND thì giảm tỉ lệ rác chôn từ 76% năm 2016 xuống còn 50%năm 2020 và xuống còn 20% năm 2025. Vậy làm như nào, thì hướng cơ bản là kêu gọi đầu tư biến rác thành điện. Vừa qua, tháng 12 lần đầu tiên chúng ta tổ chức, cũng là lần đầu tiên trong cả nước tổ chức hội nghị kêu gọi nhà đầu tư biến rác thành điện. Đây là những công nghệ vào loại tiên tiến nhất thế giới. Như vậy là không có chôn nữa, cái này là từ nguồn vốn của xã hội.
Cách đây 10 ngày TP vừa tổ chức hội nghị giới thiệu các dự án chỉnh trang kênh rạch, với mục tiêu 20.000 nhà kênh rạch phải giải quyết trong 5 năm, trong đó là kêu gọi các nhà đầu tư xã hội hóa cái này. Mình làm xong rồi thì mất 6-9 tháng chuẩn bị sẽ có đấu thầu. Đây là giải pháp xã hội hóa để giải quyết các vấn đề bức xúc là rác và nhà ở trên kênh rạch.
Nhóm giải pháp đầu vào thứ hai là cơ chế phát triển, mà Quốc hội đã thông qua tại NQ 54 ngày 24-11. Nghị quyết 54 không cho TP tiền mà cho cách làm để sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, và khi có kết quả tốt hơn thì chúng ta có điều kiện để đầu tư, chăm lo cho đồng bào, cán bộ công chức tốt hơn. Đây là đổi mới thể chế đầu vào.
Ba là, năm qua chúng ta đã công bố đề án đô thị thông minh. Đại hội X Đảng bộ TP có 7 đề án chúng ta đang làm, nhưng có những khó khăn nhất định thì cơ chế đặc thù của QH đã cho giải quyết một phần, còn chúng ta thêm bổ sung là công bố đề án đô thị thông minh, đây là thay đổi về cách làm chứ không phải thêm tiền. Bằng đề án này, nhiều khả năng sẽ quản lý tốt hơn, nâng tính dự báo, ngăn chặn bớt việc giật mình phát triển TP, chúng ta có thể lường trước.
Thứ tư là, Thành ủy đã phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương có quyết định 1374 về xử thông tin nhân dân phản ánh, liên quan đến tập thể cá nhân có những biểu hiện vi phạm phẩm chất đạo đức, luật pháp cũng như quy định của đảng thì phải có nơi tiếp thu. Có 4 cơ quan là chính quyền các cấp, mặt trận, đại biểu QH, HĐND, các cấp ủy và 4 nguồn thông tin là từ báo chí, tiếp xúc cử tri, khiếu nại tố cáo của dân và thông tin giám sát của MTTQ, HĐND. Lần đầu tiên có quy định này.
Như vậy trong năm 2017 bên cạnh các thành tựu về kinh tế xã hội quốc phòng an ninh, thì chúng ta có 4 nội dung hoàn thiện thể chế, cơ chế hoạt động của TP mà chúng tôi thấy là rất có ý nghĩa.
Xác định 21 đề án triển khai trong năm 2018
. Việc QH thông qua NQ 54 là một trong những sự kiện quan trọng của TP trong năm 2017. Vậy TP sẽ triển khai nhiệm vụ gì trong năm 2018?
+ Nghị quyết 54 chính là nhằm thực hiện Kết luật 21 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện NQ 16 phát triển TP từ 2012-2020.
Sau khi QH thông qua, trong vòng hơn một tháng, TP đã thông qua tất cả các văn bản cần thiết để triển khai nghị quyết. Ngày 29-12, UBND TP có kế hoạch xác định 21 đề án triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, năm 2018 sẽ chuẩn bị thông qua một số nhóm giải pháp như sau:
Thứ nhất là vấn đề thực hiện ủy quyền và phân cấp. Việc này không tốn tiền, phải làm sớm. Trên cơ sở các công việc đã chuẩn bị thì tháng 3 này TP sẽ trình HĐND.
TP.HCM kỳ vọng sẽ phát triển bức phá trong thời gian tới khi có cơ chế đặc thù. Trong ảnh là mặt đường Nguyễn Huệ, đối diện UBND TP.HCM.
Thứ hai là chúng ta phải quản lý các doanh nghiệp nhà nước theo mô hình gì. Cái này từ nghị quyết của trung ương phải làm, chúng ta đang chuẩn bị để tháng 4 có thể thông qua đề án này.
Thứ ba là vấn đề sắp xếp lại tên gọi một số đơn vị trực thuộc các sở ngành của TP để phù hợp với điều kiện của TP là đông dân, kinh tế nhiều thành phần. Chúng ta đang chuẩn bị để tháng 5 có thể trình đề án điều chỉnh tên gọi các tổ chức trực thuộc các sở ngành của TP.
Một vấn đề khác mà lãnh đạo TP và người dân quan tâm là sắp xếp lại các ban quản lý của TP cũng như quận huyện, thu hẹp lại số ban, điều chỉnh tên gọi cho phù hợp. Chúng ta đang chuẩn bị để tháng 4 có thể hoàn chỉnh đề án này
Một nội dung nữa, liên quan đến tài chính, NQ 54 cho phép trên cơ sở tăng năng suất hiệu quả và tiết kiệm, thì có thể tăng thu nhập cho cán bộ công chức, với mức tăng không quà 1,8 lần trong 5 năm. Tháng 3 sẽ trình HĐND.
NQ 54 cũng cho phép TP bổ sung và điều chỉnh một số loại phí. Dự kiến tháng 3 sẽ trình điều chỉnh một số mức phí, như phí dừng ô tô lòng lề đường trong nội đô, qua đó điều tiết hành vi, hoặc phí bảo vệ môi trường với nước thải công nghiệp, cũng nằm trong khung lập pháp chung ta chọn khung phù hợp.
Ngoài ra, QH cũng cho phép TP có thể huy động vay xã hội, phát hành trái phiếu địa phương, dự kiến tháng 9 sẽ đề xuất phương án vay bổ sung qua phát hành trái phiếu, tạo nguồn lực cho phát triển.
Tóm lại, với NQ của HĐND, kế hoạch của UBND TP, chúng ta có lộ trình từ 2020 làm những việc gì lớn. Với tinh thần đó, chúng tôi tin rằng TP sẽ thấy được trách nhiệm trước quốc hội, bộ chính trị, cả nước, phát huy cơ chế đặc thù để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, qua đó đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Thời cơ và trách nhiệm
. Nhiều ý kiến cho rằng trao cho TP.HCM cơ chế đặc thù sẽ tạo bước đột phá cho TP.HCM phát triển nhanh, phát huy vai trò đầu tàu thúc đẩy kinh tế cả nước đi lên. Theo ông, TP.HCM nhận trách nhiệm này như thế nào?
+ Lý do tại sao lại có cơ chế đặc thù cho TP.HCM? Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ hơn 30 năm đổi mới vừa qua chúng ta cũng thấy dấu hiệu của tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và những khó khăn thách thức đang hiện hữu.
Với cơ chế bình thường không có gì khác so với các địa phương khác thì không thể giải quyết được. Thậm chí tốc độ tăng trưởng sẽ còn chậm nhiều nữa. Vì vậy mà với Kết luận 21 của Bộ Chính trị, NQ 54 của Quốc hội chính là phát huy những đặc điểm đặc thù của TP.HCM để làm cho TP.HCM phát triển hơn vì cả nước.
Ví dụ, TP.HCM có quy mô dân số rất lớn, chính thức là 8,6 triệu người. Tức là bình quân dân số một tỉnh thì gấp 6 lần, nhưng bộ máy quản lý hành chính của TP.HCM thì không khác các địa phương khác.
Trong 20 năm qua cứ năm năm rưỡi có thêm 1 triệu người nhập cư, chúng ta phải lo cho họ về học tập, y tế như thế nào, cũng khác địa phương khác. Địa phương khác xây xong bệnh viện có thể tạm ổn trong 5-7 năm, TP.HCM năm nào cũng xây thêm trường, bệnh viện. Vì thế cơ cấu chi của TP khác với các địa phương khác. Cho nên QH cho phép TP.HCM được tự quyết định cơ cấu chi mà không phải thông qua QH. Đấy chính là giao trách nhiệm đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân tốt hơn.
Thứ ba là để có đủ vốn đầu tư đáp ứng nhu cầu kinh tế, đi lại của trên dưới 10 triệu người, bằng ngân sách nhà nước thì không đủ, do đó TP.HCM phải đẩy mạnh xã hội hóa, trong đó có phương thức phải đi vay để phát triển. QH cho mức vay bằng 90% ngân sách, miễn là không làm ảnh hưởng đến vay nợ quốc gia. Vay phải tự chịu trách nhiệm và vay phải trả.
Thứ tư, số lượng công chức ở TP.HCM không khác các địa phương khác, do đó QH cho phép TP.HCM nếu có năng suất cao hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm thì có thể có thu nhập tăng them cho cán bộ, công chức để phục vụ tốt hơn. Ý nghĩa nó như thế và nếu TP phát triển tốt hơn thì thu cao hơn và đóng góp nhiều hơn. Điều này thể hiện sự tin cậy giao trách nhiệm của Quốc hội, của Bộ Chính trị cho Đảng bộ TP.HCM.
Có thể nói rằng chúng tôi xác định trách nhiệm NQ 54 là thời cơ cách mạng để TP phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn, đồng thời trách nhiệm chính trị rất cao đối với nhân dân và đối với Đảng.
. TP.HCM sẽ làm gì để thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và những năm tiếp theo, thưa ông?
+ Chúng ta biết rằng 2018 là năm bản lề với TP và cả nước, là năm sơ kết giữa nhiệm kỳ. Giữa năm 2018 sẽ có sơ kết giữa nhiệm kỳ, hai năm 2016-2017 và 6 tháng đầu năm 2018. Song song với rà soát 7 chương trình Đại hội X của Đảng bộ TP, đánh giá tiến độ, đề xuất giải pháp phù hợp với cơ chế mới, có bổ sung một số giải pháp mới.
Giải pháp mới đầu tiên là NQ 54 đã điều chỉnh cách vận hành của TP. Giải pháp hai là đô thị thông minh. Ba là song song với đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, chúng ta sẽ huy động lực lượng tư vấn trong nước và ngoài nước để thiết kế một khu đô thị sáng tạo của TP tích hợp 3 quận: quận 9 với nổi bật là khu công nghệ cao, quận 2 là khu đô thị mới với trung tâm tài chính sẽ hình thành và quận Thủ Đức với 12 trường đại học trên 1.500 tiến sĩ giảng viên, 70.000 sinh viên.
Ba quận này tích hợp thành trung tâm đô thị sáng tạo với dân số gần 1 triệu người, làm hạt nhân để TP triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Như vậy song song 7 chương trình đột phá của TP, từ 2018 trở đi sẽ có thêm 3 chương trình lớn nữa. Gắn với nó là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghị quyết trung ương 4, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đảng viên, chống suy thoái về tư tưởng đạo đức, tự diễn biến trong nội bộ, phát huy vai trò giám sát của nhân dân.
. Tết Nguyên đán 2018 đang đến cận kề, ông chúc điều gì cho người dân TP.HCM?
+ Năm 2018 với đồng bào cả nước và đặc biệt thành phố là kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ý chí tiến công, sự hi sinh dũng cảm, xả thân vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, vì hòa bình cho mọi người Việt Nam, của bộ đội cụ hồ của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn – Gia định, của các má các anh chị, các em vùng ven, cũng như nội đô vẫn sống mãi trong trái tim khối óc của người Việt Nam.
Vì vậy, bước vào năm 2018 chính là năm với khí thế của Mậu Thân, tình cảm trách nhiệm với những người đã hi sinh để chúng ta có được cuộc sống như ngày hôm nay.
Sau 42 năm độc lập tự do, thống nhất, thì năm 2018 là năm thể hiện Việt Nam từ đất nước hoang tàn đổ nát đã trở thành một quốc gia phát triển trung bình. Hiện nay về kinh tế thì theo sức mua tương đương, chúng ta đứng hàng 35 thế giới, là kết quả rất đáng trân trọng, là đất nước hòa bình, ổn định chính trị, là đối tác tin cậy có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế cũng như ASEAN.
Trong sự vươn lên đó của đất nước, TP.HCM có đóng góp không nhỏ. Với truyền thống đoàn kết, kiên cường, sáng tạo, nghĩa tình, nếu chúng ta quan sát trong sự phát triển thế giới hai ba năm gần đây thì thấy thế giới đang có sự chuyển biến về chính trị cũng như kinh tế.
Thời cơ mới đi kèm vời thách thức mới không kém gì đất nước chúng ta trong 30 năm qua. Để Việt Nam cất cánh cao hơn, nhanh hơn để TP tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước thì mỗi đảng viên, công chức, người lao động TP, mỗi cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang của TP mang tên Bác cần đoàn kết hơn, kiên cường hơn, sáng tạo hơn, nghĩa tình hơn.
Với tinh thần đó, tôi xin kính chúc hơn 9 triệu đồng bào TP.HCM một năm mới Mậu Tuất nhiều sức khỏe, may mắn, sáng tạo, thành công và hạnh phúc, một mùa xuân mới hơn hẳn những xuân qua đang đến với mỗi người, mỗi gia đình, mỗi người Việt Nam chúng ta.