Ba Thợ Tiện 'Viết từ hồi ấy' chỉ để… tán gái


Hai tập Tạp văn “Viết từ hồi ấy” hơn 1.000 trang đã chính thức ra mắt bạn đọc trên toàn quốc. Nhà báo Ba Thợ Tiện – tên thật là Hoàng Thoại Châu, sinh năm 1942 tại xã Điện An, huyện Điện Bàn, Quảng Nam.

Nhà báo Lê Hoàng đang giới thiệu về sách của Ba Thợ Tiện

Anh trở thành… Ba Thợ Tiện từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Nhà báo Hồng Đăng giải thích cho sự ra đời của một cây bút:

Nói hay đừng là một chuyên mục khai sinh cùng lúc với tờ Lao Động Chủ Nhật. Bút danh Ba Thợ Tiện cũng xuất hiện từ đó.
Tại sao Nói hay đừng?
Có phải vì xã hội còn lắm điều “tế nhị” khó nói?
Có phải vì còn có “vùng cấm” làm người viết chùn tay?
Có phải vì thế lực tiêu cực còn quá mạnh làm cho người viết phân vân, ngần ngại?
Khi đã đặt câu hỏi Nói hay đừng? thì câu trả lời cũng nằm ngay trong câu hỏi.

Ba Thợ Tiện tự trào về mình có khởi điểm là với đam mê viết văn, làm thơ chủ yếu chỉ để “tán gái” trong phong trào sinh viên học sinh đô thị miền Nam trước 1975. Sau đó, ông đi theo nghề báo với sự dấn thân vì lý tưởng xây dựng cuộc sống mới ngày một tươi đẹp hơn.

Với ông, viết báo chính là phương tiện để chuyển tải cách nhìn nhận, thái độ đối với cuộc sống lao động của người dân, của xã hội. Vì thế, tạp văn của nhà báo Ba Thợ Tiện luôn mang tính chất châm biếm, không ngại đụng chạm đến nhiều vấn đề trong xã hội.

Nhà báo Ba Thợ Tiện đang ký tặng sách cho độc giả

Nhà nghiên cứu văn học Bùi Quang Huy chia sẻ: “Ngày xưa, khi làm thơ, Ba Thợ Tiện lăn vào giữa cuộc đời để gào thét, thúc giục. Ngày nay, viết tạp văn, anh không chủ tâm chọn câu, chuốt chữ. Anh đứng giữa cuộc đời bề bộn, ngổn ngang để nhìn ngắm, phát hiện, nghĩ suy. Cái nhiệt tình công dân, tấm lòng yêu thương tha thiết đối với đồng bào ruột thịt khiến anh cực chẳng đã phải nói về những nghịch lý, những chuyện tréo cẳng ngỗng, những chuyện chẳng đặng đừng”.

Sau cuốn tự truyện “Sâu thẳm buồn vui” ra mắt năm 2015, hai tập Tạp văn “Viết từ hối ấy 1&2” đã đúc kết lại những gì sâu sắc nhất mà ông đã trải qua trong suốt quá trình làm báo. Qua đó, cho người đọc hình dung rõ hơn về một con người “kỳ quặc” đã thành công như thế nào khi trụ vững trên con đường viết lách nửa thế kỷ qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm