Nguyên nhân là do cô bé ấy cuồng thần tượng. Tất cả thời gian, tình yêu của mình hầu như cô bé ấy đều dành cho nhóm nhạc EXO của Hàn Quốc. Theo người cha bất hạnh này, dù nhà nghèo nhưng con gái ông lúc nào cũng vùi trong Internet để theo dõi nhất cử nhất động thần tượng của mình. Cô bé mua đủ các kiểu giày, túi xách, quần áo, hình ảnh, đĩa nhạc... của nhóm EXO, tham gia fan club, suốt ngày bận rộn tổ chức các hoạt động cho fan và tất nhiên bỏ cả ăn ngủ, học hành. Đỉnh điểm là cô bé hỗn với cha, chê mẹ xấu nên sinh ra mình xấu và tuyên bố chỉ “yêu thần tượng”, “tất cả những gì thần tượng làm đều đúng” và tuyên bố bỏ học. Hai cha con gây lộn và trong lúc kích động cô bé quăng nát điện thoại của cha. Thế là Chu Khải đã lấy dao từ nhà bếp tính dọa con nhưng cuối cùng đã giết chết con mình. Sau đó ôngcắt cổ tay tự sát nhưng không chết!
Những người trẻ ôm nhau khóc trong buổi đón thần tượng T-ara tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: TL
Tất nhiên đó là một người cha bất lực, đáng trách nhưng không thể không nói đến tác động của xã hội và giới truyền thông.
Nhìn lại Việt Nam, tuy chúng ta chưa có một vụ việc đau lòng tương tự nhưng không hề thiếu những “fan cuồng” đối với những diễn viên, ca sĩ ngoại quốc cũng như trong nước. Mới đây nhất là hình ảnh hàng trăm thanh thiếu niên khóc vật vã vì muốn được gặp T-ara, nhóm nhạc nữ thần tượng xứ Hàn. Những hình ảnh đã bị một số trang mạng bêu riếu vì những giọt nước mắt vô nghĩa.
Một bạn trẻ lý giải lý do là họ không tin sẽ có ngày được chạm vào hay đứng gần một cái gì đó mà họ xem như thiên thần. Trong ý nghĩ của họ, gặp thần tượng người nước ngoài khó như hái sao trên trời. Và vì vậy khi được tiếp cận, chính cảm giác sung sướng, hạnh phúc tột đỉnh làm họ bật khóc. Đó là một hiện tượng tâm lý bình thường. Trong thế giới này, không chỉ thanh thiếu niên mà người lớn cũng cuồng thần tượng. Và không chỉ các nhân vật giải trí, những hình tượng được tôn xưng thái quá, huyền thoại hóa đến mức trở thành thần tượng cũng là điều rất dễ xảy ra.
Nhiều người cho rằng Internet và truyền thông là con dao hai lưỡi, chính hiệu ứng của các phương tiện này đã làm nên một thứ văn hóa “cuồng si” thần tượng trong giới thanh thiếu niên hiện nay. Nhưng là người lớn, chúng ta đã làm gì cho con em mình? Chúng ta phải làm gì để bảo vệ và nuôi dưỡng cái thiện căn trong tâm hồn con trẻ, hướng vào những hành động thiết thực hơn là đắm chìm vào các phương tiện giải trí rẻ tiền và tôn vinh ảo ảnh?