Triễn lãm được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân - 1968 và kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Triển lãm giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của năm nhóm họa sĩ trẻ gồm: Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ, Câu lạc bộ Điêu khắc trẻ thuộc Hội Mỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn và Trường ĐH Văn Lang.
Về kết quả chấm, phân loại, ban tổ chức trao giải nhất cho tác phẩm của nhóm họa sĩ trẻ Trường ĐH Văn Lang với chủ đề “Kết nối lịch sử Mậu Thân 1968”. Giải nhì cho hai tác phẩm, gồm: “Bản hùng ca xuân Mậu Thân 1968” của nhóm họa sĩ trẻ Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM và tác phẩm “Đêm trắng đồng Vĩnh Lộc” của Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ Hội Mỹ thuật TP.HCM. Hai giải ba, gồm: Tác phẩm “Khúc ca Mậu Thân” của nhóm điêu khắc trẻ và tác phẩm “Nữ dân công hỏa tuyến” của nhóm họa sĩ trẻ Trường ĐH Sài Gòn.
Triển lãm kéo dài đến ngày 5-1-2018 tại trụ sở Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM, khách tham quan vào cửa tự do.
Tác phẩm “Đêm trắng đồng Vĩnh Lộc” của Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ tái hiện sự kiện bi thương về 32 dân công hỏa tuyến hy sinh đêm 15-6-1968 tại cánh đồng xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh.
Những câu thơ nghẹn ngào về "Ký ức đêm trắng đồng Vĩnh Lộc".
Anh Lê Tiến Mạnh (quận 7) đang xem chi tiết thông tin các liệt sĩ đã hy sinh đêm 15-6-1968 tại cánh đồng xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh.
Hình ảnh cây dứa dại và những giọt máu của các dân công hỏa tuyến hy sinh đêm 15-6-1968 tại cánh đồng xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh.
Khách tham quan ghi lại hình ảnh những quả dứa dại nhuốm máu của những dân công hỏa tuyến hy sinh đêm 15-6-1968 tại cánh đồng xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh. Tác phẩm giành giải nhì của cuộc thi.
Tác phẩm của nhóm Điêu khắc trẻ với chủ đề “Khúc ca Mậu Thân” lại có tính khái quát rất cao về một dáng đứng Việt Nam đầy kiêu hãnh qua sự kiện Mậu Thân 1968.
Tác phẩm được hình ảnh và xây dựng từ cảm xúc trước hình ảnh các chiến sĩ biệt động, không ngại gian khó, sinh hoạt trong điều kiện vô cùng gian khổ, ẩn mình trong các căn hầm bí mật, bị giặt kiểm soát gắt gao nhưng vẫn quyết tâm chiến đấu đến những giọt máu cuối cùng.
Tác phẩm được thể hiện bằng các khối gỗ phủ sơn kết hợp với kim loại. Tên những liệt sĩ hy sinh khắc dưới khối gỗ và phản chiếu qua tấm kính.
Những chiến sĩ biệt động hy sinh được khắc trang trọng trên các khối gỗ thể hiện sự tri ân của người trẻ hôm nay. Tác phẩm giành giải ba của cuộc thi.
Tác phẩm “Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968” của nhóm họa sĩ trẻ Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM giành giải nhì cuộc thi.
Tác phẩm tái hiện một phần tường rào tòa Đại sứ quán Mỹ và đặt lên đó hình tượng người chiến sĩ biệt động dũng cảm, ôm bộc phá xông lên, đánh sập tường rào vọng gác để toàn đội tiếp tục tràn vào bên trong. Hình tượng này không chỉ để biểu hiện cho riêng lẻ một cá nhân nào mà nhằm tái hiện cả một đội quân cảm tử 19 người chiến sĩ biệt động tấn công vào tòa Đại sứ quán Hoa Kỳ, cố gắng chiếm giữ cầm cự trong sáu tiếng đồng hồ với sự phản công ác liệt từ phía địch.
Tác phẩm của nhóm họa sĩ trẻ Trường ĐH Văn Lang với chủ đề “Kết nối lịch sử Mậu Thân 1968” thể hiện một thành phố trẻ đang vươn lên cùng biểu tượng về ký ức Mậu Thân 1968, giành giải nhất cuộc thi.
Hình ảnh dòng sông đặc trưng của Sài Gòn - TP.HCM ngày nay.
Những hoa mai của mùa Xuân Mâu Thân 1968, hoa mai ấy còn tượng trưng cho ý chí của những người chiến sĩ quyết tâm chiến đấu đến cùng để giành độc lập dân tộc.
Tác phẩm “Nữ dân công hỏa tuyến” là biểu tượng về sự hy sinh quả cảm của các nữ dân công hỏa tuyến năm xưa, mang về giải ba cho nhóm họa sĩ trẻ Trường ĐH Sài Gòn .