LTS: 30 năm trước, ngày 14-3-1988, Trung Quốc đã nổ súng cưỡng chiếm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong giờ phút sinh tử ấy, giữa họng súng quân thù, những người lính Việt Nam đã nắm chặt tay nhau để tạo thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Vòng tròn ấy đã trở thành biểu tượng bất diệt về ý chí quật cường, về tinh thần đoàn kết để bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.
12 giờ ngày 13-3-1988, biên đội hai tàu HQ-604 và HQ-505 xuất phát từ Đá Lớn đi Gạc Ma, Cô Lin (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Trước đó, tối 12-3, Sở chỉ huy thuộc Bộ chỉ huy Quân chủng Hải quân lệnh cho tàu HQ-506 phải có mặt ở Len Đao.
Quyết tâm giữ đảo
Trung tướng Mai Xuân Vĩnh, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân, lúc đó là phó tư lệnh, tham mưu trưởng, có mặt tại Sở chỉ huy Quân chủng Hải quân đã truyền đạt mệnh lệnh và hướng dẫn việc triển khai thực hiện kế hoạch đóng giữ các đảo.
Cùng lúc đó, chỉ huy Vùng 4 hải quân và các lữ đoàn tàu 125, 171, lữ đoàn đóng giữ đảo 146 và các trung đoàn công binh 83, 131… luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Để răn đe đối phương, sở chỉ huy thông báo cho đảo Sinh Tồn sẽ có tàu nước và tàu hàng đến tiếp tế. Đồng thời, sở chỉ huy lệnh đảo Nam Yết bắn thử các loại súng về phía Nam 15 km, đảo Song Tử Tây bắn thử các loại súng 4 km phía Bắc. Trước đó, trong các ngày 9 và 10-3, không quân của ta bay luyện tập ở khu vực 1.
Chiều 13-3, tàu HQ-604 đến Gạc Ma và tàu HQ-505 đến Cô Lin thả neo an toàn. Một giờ sau, tàu hộ vệ 505 của Trung Quốc đến từ đảo Huy Gơ áp sát tàu của ta, phát loa la hét đó là lãnh thổ của họ, yêu cầu tàu ta rời đi.
Mặc cho đối phương la hét, tàu ta vẫn kiên quyết bám đảo, một tấc không rời.
Một giờ sau, sở chỉ huy nhận được báo cáo tàu Trung Quốc giãn ra, cách tàu ta 500 m, sau đó đi về hướng Tây, cách ta sáu hải lý. Lúc này, hai tàu HQ-604, HQ-505 vẫn bám đảo, dự kiến ngày hôm sau tiến hành khảo sát bãi cạn và đưa vật liệu làm nhà.
21 giờ ngày 13-3, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân lệnh cho chỉ huy tàu QH-604 và HQ-505 quyết giữ Gạc Ma và Cô Lin, đồng thời cho phép tàu ủi bãi để giữ bằng được hai bãi này.
Một giờ sau, Bộ tư lệnh tiếp tục lệnh “khẩn trương thả các xuồng máy, xuồng nhôm để bám giữ đảo, đồng thời chuyển vật liệu lên làm nhà”. Cùng thời điểm này, sở chỉ huy xin ý kiến cấp trên để sáng 14-3 cho máy bay sẵn sàng chiến đấu chi viện, đồng thời cho máy bay trinh sát các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Đá Lớn.
Giữa khuya, sở chỉ huy lệnh cho tàu HQ-671 xuất phát từ đảo Đá Lớn cùng HQ-604 quyết giữ Gạc Ma; tàu HQ-931 ngưng tiếp nước ở Đá Đông, đến cùng QH-505 giữ Cô Lin.
Lúc 0 giờ ngày 14-3, sở chỉ huy lệnh cho tàu HQ-604 dùng tất cả loại xuồng đưa quân đổ bộ lên đảo ngay trong đêm, cắm hai cờ mỗi đảo; khi nước ngập, dựa vào các mô đá để trụ lại trên đảo. Cùng đó, quân ta tổ chức bốn tổ chiến đấu ở Gạc Ma và hai tổ chiến đấu ở Cô Lin. Mỗi đảo phải có xuồng máy, phao cá nhân, bơi chèo để đảm bảo an toàn.
Cùng thời điểm này, chỉ huy tàu HQ-604 báo cáo về sở chỉ huy có nhiều tàu Trung Quốc xuất hiện ở cự ly sáu hải lý, riêng tàu hộ vệ 502 cách tàu HQ-604 của ta ba hải lý.
Tình hình diễn biến cấp bách. Sở chỉ huy lệnh: “Đã có lệnh đổ bộ lên đảo, các đồng chí thi hành ngay, không để đối phương chiếm mục tiêu. Chuẩn bị vị trí, khi cần các đồng chí tự quyết định cho tàu ủi bãi!”.
Hình tượng “Vòng tròn bất tử” tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Cam Lâm, Khánh Hòa. Ảnh: TẤN LỘC
Con tàu huyền thoại HQ-604. Ảnh: Tư liệu
Vòng tròn bất tử
Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh kể lúc đó do thông tin khó khăn, đến sáng 14-3, sở chỉ huy mới nhận được báo cáo từ tàu HQ-604 rằng có ba tàu Trung Quốc đến gần Gạc Ma, Cô Lin. Tàu HQ-605 của ta đã cắm hai cờ trên đảo Cô Lin, trong khi tàu hộ vệ 502 của Trung Quốc ép tàu HQ-604 của ta.
Trong điện số 16 sở chỉ huy nhận được từ Gạc Ma rạng sáng 14-3 có đoạn: “Tàu đối phương thả ba xuồng với 12 lính đến vị trí ta cắm cờ, anh em ta đứng xung quanh bảo vệ cờ, sau một giờ đối phương không dám đến gần”.
Liền đó, điện số 17 từ tàu HQ-604 cấp báo về sở chỉ huy: “…Ở Gạc Ma họ thả thêm ba xuồng và đưa quân lên đảo cắm cờ. Ta đang khẩn trương bốc hàng lên đảo, tình hình tranh chấp rất quyết liệt, tàu đối phương tiếp cận sát đảo”.
Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh kể sau bức điện này sở chỉ huy mất liên lạc với tàu HQ-604. Thực tế, Trung Quốc đưa 40 lính lên đảo Gạc Ma, vị trí quân ta cắm cờ. Các cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 146 thuộc Trung đoàn công binh 83 do Thiếu úy Trần Văn Phương chỉ huy đã dũng cảm đứng vây quanh kiên quyết bảo vệ cờ Tổ quốc, không cho đối phương lao vào. Lập tức lính Trung Quốc điên cuồng xả súng. Đồng chí Phương ngã xuống. Ngay lúc đó, binh nhất Nguyễn Văn Lanh (Trung đoàn 83) xông lên cùng anh em quây thành vòng tròn bảo vệ cờ Tổ quốc.
Trước hành động dũng cảm của quân ta, lính Trung Quốc đã rút về tàu.
Khoảng 8 giờ sáng 14-3, hai tàu hộ vệ 502 và 531 của Trung Quốc đã điên cuồng bắn pháo vào tàu QH-604 khiến tàu bị cháy và chìm ở phía Nam Gạc Ma khoảng 300 m. Cùng thời điểm, tàu vận tải đổ bộ HQ-505 của ta nhổ neo ủi bãi cũng bị hai tàu hộ vệ 502 và 531 của Trung Quốc bắn hỏng lái. Tuy nhiên, tàu HQ-505 vẫn ủi được 2/3 thân tàu lên đảo và bị bắn cháy.
Từ đó, sở chỉ huy cũng mất liên lạc với tàu HQ-505. Ngoài ra, tàu HQ-605 sau khi xuất phát từ đảo Tốc Tan đi Len Đao cũng mất liên lạc với sở chỉ huy. Sau này thông tin từ đảo Sinh Tồn báo cáo về cho biết tàu hộ vệ 556 của Trung Quốc đã bắn cháy tàu QH-605, một người hy sinh không lấy được thi thể, 18 đồng chí rời tàu với xuồng vào đảo Sinh Tồn.
Sau khi ba tàu HQ-604, HQ-505, HQ-605 bị bắn cháy, chìm, sở chỉ huy đã lệnh cho tàu HQ-931 ở Đá Đông, tàu HQ-671 ở Đá Lớn treo cờ chữ thập đỏ làm nhiệm vụ cấp cứu, cứu hộ. Trên đường làm nhiệm vụ, tàu HQ-671 liên tục bị tàu Trung Quốc khiêu khích, ngăn chặn. Tuy nhiên, tàu HQ-671 vẫn trực chỉ khu vực Gạc Ma, Cô Lin, cập đuôi tàu HQ-505 đưa toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trên tàu HQ-604 đã cứu được về đảo Sinh Tồn lúc 22 giờ cùng ngày.
Trung tướng Mai Xuân Vĩnh đánh giá: Sự kiện ngày 14-3-1988, phía Trung Quốc đã gây cho ta tổn thất, song đây là thắng lợi của ta. Bởi nếu cứ để Trung Quốc lặng lẽ chiếm hết nơi này đến nơi khác mà ta không có phản ứng gì thì tựa như ta thừa nhận chủ quyền của họ.