Sự bùng nổ của công nghệ và xu hướng chuyển dịch số đã khiến nhu cầu tiêu thụ nội dung trực truyến ngày một tăng. Người dùng bắt đầu quen thuộc với việc xem video có độ phân giải lên tới 4K - 8K, sử dụng các công cụ lưu trữ dữ liệu trực tuyến, tạo ra xu hướng streaming, livestream và tải tài liệu dung lượng lớn lên đến đơn vị Tetrabyte.
Mới đây, cả ba nhà mạng gồm Viettel, VinaPhone và FPT đã gửi thông báo đến người dùng về việc nâng cấp gói cước Internet với mức giá không đổi từ ngày 1-6-2019. Tuy nhiên, hiện tại có rất nhiều người dùng FPT phàn nàn về việc nâng cấp không đồng đều cả về tốc độ lẫn giá tiền.
Cụ thể, FPT sẽ thay 6 gói cước Internet cũ (F2 đến F7) bằng 4 gói cước mới gồm Super 22 (22 Mbps), Super 35 (35 Mbps), Super 50 (50 Mbps) và Super 60 (60 Mbps), với tốc độ tương ứng.
Trên một số diễn đàn và Facebook, nhiều người dùng cho biết họ đã nhận được tin nhắn thông báo từ phía FPT, tuy nhiên, việc thay đổi gói cước dường như được thực hiện không đồng đều.
Cụ thể, dù sử dụng cùng một gói F3 (45 Mbps) nhưng người này lại được chuyển sang gói Super 65 (65 Mbps), còn người kia chỉ được nâng cấp thành gói Super 50 (50 Mbps). Thêm vào đó, số tiền phải trả của từng người cũng khác nhau.
Ngoài ra, một số người dùng cũng phàn nàn về việc họ phải trả thêm tiền cho việc nâng cấp lên gói cước mới trong khi không có nhu cầu.
Theo đại diện của FPT Telecom, họ chỉ gợi ý các gói cước mà người dùng có thể nâng cấp, nếu không có nhu cầu, bạn có thể bấm vào liên kết được gửi kèm trong tin nhắn hoặc liên hệ trực tiếp với tổng đài của FPT Telecom. Tuy nhiên, trong tất cả các thông báo gửi cụ thể tới khách hàng, FPT không hề nói đây là "đề xuất" và có thể thay đổi.
Theo thống kê của Speedtest, đơn vị hàng đầu thế giới về đo kiểm tốc độ Internet, Việt Nam hiện đứng ở vị trí thứ 72 trong thang xếp hạng tốc độ Internet cố định toàn thế giới, do đó việc nâng băng thông lần này của Viettel được cho là sẽ cải thiện đáng kể thứ hạng của Việt Nam trong khu vực cũng như toàn cầu.