5 thông số bí mật mà nhà sản xuất smartphone không muốn bạn biết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(PLO)- Nếu bạn cần một chiếc smartphone chụp ảnh xuất sắc, hãy tìm những thông số kỹ thuật mà nhà sản xuất không nhấn mạnh.

Khi các nhà sản xuất smartphone nói về camera, họ thường chỉ nhấn mạnh đến số megapixel. Thực tế cho thấy, số lượng megapixel là rất cần thiết, nhưng nó chỉ đóng góp một phần nhỏ vào chất lượng tổng thể của camera trên điện thoại.

Trước khi nói về thông số kỹ thuật, bạn cần phải biết rằng chất lượng camera smartphone phụ thuộc vào cả phần cứng lẫn phần mềm.

Mặc dù người tiêu dùng thường có xu hướng bị thu hút bởi khía cạnh phần cứng, nhưng phần mềm cũng quan trọng không kém. Camera trên một chiếc smartphone có phần cứng tốt chưa chắc đã mang lại hình ảnh đẹp nếu phần mềm chưa được tối ưu hóa.

1. Kích thước cảm biến

Cảm biến là một trong những thành phần quan trọng nhất của camera. Kích thước cảm biến lớn đồng nghĩa với lượng ánh sáng nhận được sẽ nhiều hơn, hình ảnh đầu ra sẽ có chất lượng tốt hơn và ngược lại.

Cảm biến camera thường được đo bằng inch (hoặc phổ biến hơn là phần nhỏ của inch), hiện tại chỉ có một số ít các mẫu smartphone được trang bị cảm biến 1 inch, đơn cử như Sharp Aquos R6, Xiaomi 12S Ultra…

Biểu đồ so sánh kích thước cảm biến camera.

Biểu đồ so sánh kích thước cảm biến camera.

2. Kích thước pixel

Trong nhiếp ảnh, ánh sáng rất quan trọng. Kích thước của mỗi pixel càng lớn (được đo bằng micromet (µm)) thì càng thu được nhiều ánh sáng hơn, nghĩa là chất lượng hình ảnh sẽ tốt hơn. Điều này một lần nữa củng cố tầm quan trọng của kích thước cảm biến.

3. Megapixel

Đa số các nhà sản xuất smartphone đều thích nhấn mạnh đến thông số này khi giới thiệu về camera. Mặc dù megapixel liên quan đến độ phân giải hình ảnh mà camera có thể tạo ra, nhưng nó không có lợi về mặt chất lượng.

Số megapixel càng nhiều, độ phân giải hình ảnh càng lớn. Tuy nhiên, mọi thứ không đơn giản như vậy, nhiều megapixel đồng nghĩa với việc kích thước pixel sẽ nhỏ hơn. Hãy tưởng tượng cảm biến hình ảnh là bàn ăn, và các chiếc đĩa đặt trên đó là các pixel. Để có nhiều megapixel hơn, bạn phải đặt nhiều chiếc đĩa nhỏ hơn trên bàn ăn.

Số megapixel càng nhiều, độ phân giải hình ảnh càng lớn. Ảnh: TIỂU MINH

Số megapixel càng nhiều, độ phân giải hình ảnh càng lớn. Ảnh: TIỂU MINH

Kích thước pixel lớn sẽ thu được nhiều ánh sáng hơn, giúp tăng đáng kể hiệu suất camera trong điều kiện ánh sáng yếu. Ngược lại, độ phân giải cao nhưng kích thước pixels nhỏ có thể tác động tiêu cực đến chất lượng hình ảnh nếu phần mềm không đủ tốt.

4. Ổn định hình ảnh quang học (OIS)

Tính năng ổn định hình ảnh quang học (OIS) giúp giải quyết vấn đề rung rắc, nhòe hình khi quay video hoặc chụp ảnh. Tuy nhiên, phần cứng OIS không hề rẻ, do đó một số nhà sản xuất đã phát triển công nghệ ổn định hình ảnh điện tử (EIS), một phần mềm cố gắng tái tạo chức năng của OIS.

Khi mua smartphone, bạn nên tìm kiếm công nghệ OIS trên bảng thông số kĩ thuật của máy.

Đa số các mẫu smartphone cao cấp đều hỗ trợ chống rung quang học. Ảnh: TIỂU MINH

Đa số các mẫu smartphone cao cấp đều hỗ trợ chống rung quang học. Ảnh: TIỂU MINH

5. Zoom quang học và zoom kỹ thuật số

Zoom kỹ thuật số trên camera là một công nghệ phần mềm làm cho các vật thể ở xa có vẻ gần hơn, tuy nhiên, hình ảnh được tạo ra thường bị thiếu chi tiết và mờ.

Không giống như zoom kỹ thuật số, zoom quang học không ảnh hưởng đến chất lượng và độ phân giải của hình ảnh. Hiện tại đa số các mẫu smartphone cao cấp trên thị trường đều được trang bị công nghệ zoom quang học, hãy nhớ rằng zoom quang học 10x vẫn sẽ mang lại nhiều giá trị hơn so với zoom kỹ thuật số 100x.

Zoom quang học thường mang lại chất lượng hình ảnh cao hơn. Ảnh: TIỂU MINH

Zoom quang học thường mang lại chất lượng hình ảnh cao hơn. Ảnh: TIỂU MINH

Đọc thêm