5 trình duyệt AI tốt nhất năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(PLO)- Năm 2024 chứng kiến sự bùng nổ của các trình duyệt AI, mang đến trải nghiệm duyệt web thông minh hơn.

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) là một chủ đề gây ra rất nhiều tranh cãi. Một số người đón nhận AI như một phần không thể thiếu của tương lai, với niềm tin rằng nó sẽ mở ra những cơ hội mới. Tuy nhiên, một số người lại tỏ ra lo ngại và cảnh giác trước những ảnh hưởng tiềm tàng của AI đối với xã hội và công việc.

Năm 2024 chứng kiến sự ra đời của nhiều trình duyệt AI tiên tiến, mỗi cái đều mang đến những tính năng đặc biệt giúp cải thiện trải nghiệm duyệt web, từ khả năng cá nhân hóa nội dung đến việc tối ưu hóa quy trình tìm kiếm thông tin.

Bài viết này sẽ giới thiệu 5 trình duyệt AI tốt nhất năm 2024, phân tích những điểm mạnh và tính năng nổi bật của từng trình duyệt, giúp bạn dễ dàng lựa chọn công cụ phù hợp nhất với nhu cầu của mình.

1. Trình duyệt Arc (https://arc.net/max)

Arc là một trong những trình duyệt đầu tiên được tích hợp trí tuệ nhân tạo (thông qua Arc Max, một gói các tính năng AI).

So với các trình duyệt khác, Arc có trải nghiệm sử dụng khá khác biệt với các tính năng AI như 5-Second Previews (xem trước liên kết 5 giây), Ask on Page (hỏi trực tiếp trên website), Tidy Tabs (thẻ gọn gàng), Tidy Downloads (tải xuống gọn gàng), Tidy Tab Titles (tiêu đề gọn gàng), hỏi ChatGPT và Instant Links (liên kết tức thì)…

Để kích hoạt các tính năng AI trên Arc, người dùng chỉ cần mở trình duyệt và truy cập vào phần Settings - Max - Turn on Max.

Cách bật các tính năng AI trên trình duyệt Arc Max. Ảnh: MINH HOÀNG
Cách bật các tính năng AI trên trình duyệt Arc Max. Ảnh: MINH HOÀNG

Với tính năng xem trước liên kết 5 giây, bạn có thể di chuột qua bất kì liên kết nào trên trang web để nhận được bản tóm tắt ngắn gọn do AI tạo ra. Điều này đặc biệt hữu ích khi bạn đang tìm kiếm trên Google, Bing… và cố gắng quyết định mở liên kết nào tiếp theo.

Ask on Page (hỏi trực tiếp trên website) cho phép bạn hỏi AI bất kỳ câu hỏi nào về trang web bạn đang mở, ví dụ như yêu cầu tóm tắt, giải thích…

Tính năng -Second Previews (xem trước liên kết 5 giây). Ảnh: MINH HOÀNG
Tính năng -Second Previews (xem trước liên kết 5 giây). Ảnh: MINH HOÀNG

Nếu đang sử dụng iPhone, iPad, người dùng có thể cài đặt trình duyệt Arc Search. Dù không có các tính năng AI như trên phiên bản dành cho máy tính, nhưng nó được tích hợp tính năng Browse for Me, Pinch to Summarize, Call Arc Search…

- Ưu điểm: Hỗ trợ truy cập trực tiếp các mô hình AI của OpenAI và Anthropic, tích hợp nhiều tính năng AI mới lạ, trải nghiệm sử dụng khác biệt.

- Nhược điểm: Hiện tại, trình duyệt Arc (Max) chỉ mới hỗ trợ macOS và iOS, không có sẵn cho người dùng Windows và Android.

2. Microsoft Edge (https://www.microsoft.com/vi-vn/edge/download)

Microsoft Edge có lẽ là trình duyệt đã khá quen thuộc đối với nhiều người dùng khi được tích hợp công cụ AI Copilot.

Bạn có thể truy cập công cụ này thông qua thanh bên, sử dụng nó để tóm tắt nội dung trang web, tìm kiếm, viết lại nội dung đang soạn thảo (hoặc đang chọn)… Với khả năng nhận thức theo ngữ cảnh về nội dung trên trang, Copilot sẽ là một trợ lý cực kỳ hữu ích.

Trình duyệt AI Microsoft Edge được tích hợp công cụ Copilot. Ảnh: MINH HOÀNG
Trình duyệt AI Microsoft Edge được tích hợp công cụ Copilot. Ảnh: MINH HOÀNG

Ngoài Copilot, Edge còn có các tính năng AI khác như nhóm các tab lại, đọc to bất kỳ bài viết hoặc nội dung web nào, trình tạo chủ đề AI...

- Ưu điểm: Truy cập trên mọi nền tảng, cung cấp quyền truy cập vào các mô hình mới nhất từ OpenAI, các tính năng cải tiến như video nổi bật…

- Nhược điểm: Hiệu suất của Copilot không nhất quán

3. Opera (https://www.opera.com/vi)

Opera là một trong những trình duyệt lâu đời nhất hiện nay nhưng không hề lỗi thời.

Aria là trợ lý AI trên Opera, được hỗ trợ bởi các mô hình ngôn ngữ lớn từ OpenAI và Google, tương tự như công cụ Copilot trên Microsoft Edge.

Trình duyệt AI Opera với công cụ AI Aria. Ảnh: MINH HOÀNG
Trình duyệt AI Opera với công cụ AI Aria. Ảnh: MINH HOÀNG

Ngoài việc truy cập Aria từ thanh bên, bạn cũng có thể sử dụng công cụ này bằng cách sử dụng phím tắt Cmd/Ctrl+ /. Aria cũng có khả năng nhận thức theo ngữ cảnh về trang web hiện tại bạn đang xem, nhưng Opera cung cấp cho người dùng nhiều quyền kiểm soát nhằm tăng cường bảo mật và quyền riêng tư.

- Ưu điểm: Truy cập vào các mô hình từ cả OpenAI và Google trong một trợ lý, quyền riêng tư cao hơn với tính năng nhận biết ngữ cảnh.

- Nhược điểm: Các tính năng AI bị giới hạn.

4. SigmaOS (https://sigmaos.com/download)

SigmaOS là một trình duyệt khác lạ với giao diện người dùng gần giống với Arc, nhưng cách triển khai AI thì không giống nhau.

Airis, trợ lý AI gốc của SigmaOS chủ yếu đi theo con đường truyền thống khi nói đến việc triển khai AI, tức là truy cập nhanh thông qua thanh bên của trình duyệt.

Airis có nhận thức theo ngữ cảnh, vì vậy bạn có thể đặt câu hỏi về nội dung trên trang. Nó có thể cung cấp bản tóm tắt, giải thích nội dung được đánh dấu hoặc trả lời bất kỳ câu hỏi nào nói chung.

Giống như Opera, nó cũng cung cấp tùy chọn bật/tắt nhận thức theo ngữ cảnh. SigmaOS cũng có các tính năng AI khác như Look it Up và Simplify (tương tự như Browse for Me và Pinch to Summarize của Arc trên iOS) nhưng SigmaOS đưa tính năng này lên phiên bản dành cho máy tính.

Trình duyệt AI SigmaOS với công cụ AI Airis. Ảnh: MINH HOÀNG
Trình duyệt AI SigmaOS với công cụ AI Airis. Ảnh: MINH HOÀNG

Với Look It Up, Airis có thể tìm và biên soạn thông tin cho bạn về bất kỳ chủ đề nào mà bạn có thể sử dụng làm điểm khởi đầu. Trong khi đó, Simplify cung cấp bản tóm tắt trang web do AI tạo ra chỉ bằng một thao tác chạm hoặc một phím tắt đơn giản.

Airis sử dụng ChatGPT-3.5 cho người dùng miễn phí và bạn chỉ nhận được một số lượng truy vấn giới hạn cho Look It Up và Summaries.

- Ưu điểm: Truy cập vào các tính năng như Look It Up và Summaries mà không có trình duyệt AI nào khác hiện cung cấp

- Nhược điểm: Tính năng hạn chế với gói miễn phí, chỉ khả dụng trên macOS

5. Brave (https://brave.com/)

Brave là một trong những trình duyệt hiếm hoi coi trọng quyền riêng tư của người dùng. Tương tự như các phần mềm khác, Brave cũng tích hợp trợ lý AI riêng - Leo, hỗ trợ người dùng tóm tắt nội dung, tài liệu, trả lời các câu hỏi, hỗ trợ lập trình bằng cách cung cấp các gợi ý…

Bạn có thể truy cập Leo trên trình duyệt Brave thông qua thanh bên hoặc thanh địa chỉ. Giống như các trợ lý AI khác, Leo cũng có nhận thức theo ngữ cảnh và có thể truy cập nội dung của trang để trả lời các truy vấn của bạn.

Hiện tại, các tính năng AI của Brave khá hạn chế khi so sánh với các trình duyệt khác trong danh sách này, tuy nhiên, trình duyệt sẽ không giữ lại các cuộc trò chuyện hoặc bất kỳ thông tin nào khác ngay khi bạn kết thúc cuộc trò chuyện hiện tại.

Trình duyệt AI Brave với trợ lý Leo. Ảnh: MINH HOÀNG
Trình duyệt AI Brave với trợ lý Leo. Ảnh: MINH HOÀNG

Leo sử dụng nhiều mô hình ngôn ngữ lớn, bao gồm Mixtral 8x7B từ Mistral AI, Llama 2 13b từ Meta AI, Claude Instant, Claude Haiku và Claude Sonnet (chỉ dành cho người dùng Premium) từ Anthropic.

- Ưu điểm: Chạy trên các mô hình do Brave tự lưu trữ, tập trung vào quyền riêng tư của người dùng, hỗ trợ nhiều mô hình AI.

- Nhược điểm: Một số tính năng yêu cầu phải trả phí, hiệu suất AI chưa được như mong đợi

Dù chúng ta có thích hay không thì AI và các công cụ hỗ trợ AI vẫn sẽ tồn tại. Như vậy là Kỷ Nguyên Số đã liệt kê ưu điểm và nhược điểm của 5 trình duyệt AI tốt nhất hiện nay, phần còn lại là tùy thuộc vào sự lựa chọn, nhu cầu sử dụng của bạn đọc.

Đọc thêm