Nút dislike trên YouTube không giúp hạn chế các video không mong muốn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(PLO)- Theo một nghiên cứu gần đây của Mozilla, nút dislike (không thích) trên YouTube không giúp hạn chế các video không mong muốn.

Trên thực tế, việc yêu cầu YouTube hiểu chính xác sở thích của bạn khó hơn bạn nghĩ rất nhiều.

Các nhà nghiên cứu tại Mozilla đã kiểm tra mức độ hiệu quả của 4 biện pháp kiểm soát khác nhau, bao gồm nút dislike (không thích), not interested (không quan tâm), don’t recommend channel (không đề xuất kênh) và remove from watch history (xóa khỏi lịch sử xem).

Nút dislike (không thích) không ngăn chặn hiệu quả các video không mong muốn. Ảnh: TIỂU MINH

Nút dislike (không thích) không ngăn chặn hiệu quả các video không mong muốn. Ảnh: TIỂU MINH

Kết quả cho thấy những tùy chọn này có mức độ hiệu quả khác nhau, nhưng tổng thể là kém và không hiệu quả. Theo báo cáo, các nút này “ngăn chặn ít hơn một nửa các đề xuất không mong muốn”.

Các nhà nghiên cứu tại Mozilla đã sử dụng dữ liệu thu thập được từ RegretsReporter, một tiện ích mở rộng trên trình duyệt cho phép mọi người chia sẻ dữ liệu để sử dụng trong nghiên cứu.

Trong số 4 biện pháp kiểm soát, hiệu quả nhất là don’t recommend channel (không đề xuất kênh), ngăn chặn 43% đề xuất không mong muốn, trong khi not interested (không quan tâm) là ít hiệu quả nhất và chỉ ngăn được khoảng 11% đề xuất không mong muốn.

Nút dislike (không thích) chỉ đạt 12% và remove from watch history (xóa khỏi lịch sử xem) hiệu quả khoảng 29%.

Các công cụ của YouTube không hiệu quả trong việc hạn chế video không mong muốn. Ảnh: Internet

Các công cụ của YouTube không hiệu quả trong việc hạn chế video không mong muốn. Ảnh: Internet

Nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết của các công cụ, cho phép người dùng chủ động kiểm soát những gì họ muốn xem.

Becca Ricks, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Mozilla, đồng tác giả của báo cáo, cho biết: “Cách thức hoạt động của YouTube và nhiều nền tảng khác là dựa vào việc thu thập dữ liệu thụ động để suy ra sở thích của bạn. Nhưng đó là một cách hoạt động hơi theo kiểu gia trưởng, thay vào đó, YouTube nên hỏi mọi người muốn làm gì trên nền tảng thay vì xem họ đang làm gì”.

Nghiên cứu của Mozilla được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi các nền tảng lớn nên làm cho các thuật toán của họ minh bạch hơn.

Tại Mỹ, các nhà lập pháp đã đề xuất các dự luật để quản lý các công ty có trách nhiệm đối với những thuật toán sai lệch. Liên minh châu Âu thậm chí còn thực hiện mạnh mẽ hơn, Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số được thông qua gần đây sẽ yêu cầu các nền tảng giải thích cách các thuật toán đề xuất hoạt động và mở chúng cho các nhà nghiên cứu bên ngoài.

Đọc thêm