Video ngắn là những nội dung có thời lượng từ vài giây cho đến vài phút, xuất hiện phổ biến trên TikTok và dần lan sang các nền tảng khác như Facebook Reels, YouTube Shorts… và Instagram.
Lướt TikTok trong vô thức
Dự định lướt TikTok vài phút trước khi ngủ để giải trí sau một ngày làm việc mệt mỏi, nhưng anh L.A (một người làm nội dung trên mạng xã hội) thường xuyên bị cuốn hút bởi các nội dung ngắn và lướt video trong vô thức đến gần sáng, khiến sức khỏe giảm sút và ảnh hưởng đến công việc chính.
“Biết TikTok được vài năm nhưng tôi không sử dụng vì thấy nó có vẻ nhàm chán. Cứ đinh ninh rằng mình sẽ miễn nhiễm với nền tảng này, tuy nhiên chỉ sau vài lần xem thử các trend trên TikTok, tôi đã bị nghiện lúc nào không hay. Thậm chí tôi còn làm video để chia sẻ với mọi người trong những lúc rảnh rỗi”, chị T.H (một nhân viên văn phòng ở TP.HCM) chia sẻ.
TikTok dễ khiến người dùng mất kiên nhẫn và lướt video trong vô thức. Ảnh: MINH HOÀNG |
Theo các nhà nghiên cứu tâm lý, video ngắn 15-60 giây đang khiến người dùng mất đi sự kiên nhẫn (chỉ muốn có kết quả ngay lập tức), đồng thời thôi thúc việc cuộn liên tục để có nội dung mới. “Chỉ sau vài trang sách, tôi thường xuyên muốn thay đổi cuốn sách khác hoặc nội dung khác vì không thấy kết quả ngay lập tức”, chị M.T (một du học sinh) cho biết.
Thuật toán gợi ý của TikTok được xem là yếu tố chính giúp nền tảng này thu hút được nhiều người dùng, đặc biệt là giới trẻ.
TikTok ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Điều này còn phụ thuộc vào mức độ bạn bị cuốn hút, nhưng tất cả các dấu hiệu cho thấy video ngắn không tốt cho sức khỏe tinh thần và khả năng nhận thức của bạn.
Khi lần đầu tiên sử dụng TikTok, bạn sẽ chỉ thấy các video có nội dung chung chung, nhưng khi nắm được sở thích của bạn (xem lâu, thả tim, bình luận…), nền tảng này sẽ bắt đầu gợi ý các video phù hợp với sở thích của bạn.
Tuy nhiên, đây chỉ là thông tin về mặt lý thuyết, trong thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy TikTok thường xuyên gợi ý các nội dung người lớn (không phù hợp với tài khoản trẻ em), cổ xúy lối sống lệch lạc, phản cảm...
Một nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy khi xã hội phải đối mặt với tình trạng dư thừa thông tin, chúng ta thường sẽ chọn xem các nội dung có thời lượng ngắn.
Video ngắn có thể tác động tiêu cực đến trẻ em và thanh thiếu niên, những người đang trong độ tuổi phát triển và hoàn thiện. Trẻ em thường gặp khó khăn hơn trong việc sử dụng sự chú ý có định hướng so với người lớn.
“Nếu bộ não của trẻ em đã quen với những thay đổi liên tục, bộ não sẽ khó thích nghi với hoạt động phi kỹ thuật số, nơi mọi thứ không di chuyển nhanh như vậy,” Michael Manos, Ph.D., giám đốc lâm sàng tại Bệnh viện Nhi đồng Cleveland chia sẻ.
Nhiều người tìm kiếm sự thỏa mãn trên TikTok, bất chấp tất cả để câu view. Ảnh: Gurwinder/The Prism |
Đa số các nội dung được lan truyền, phổ biến trên TikTok đều mang yếu tố kích thích về mặt cảm xúc, đồng cảm và muốn chia sẻ, thể hiện. Do đó, cũng không có gì khó hiểu khi ngày càng có nhiều người trẻ mải mê tìm kiếm sự thỏa mãn trên mạng xã hội, “ảo tưởng sức mạnh” và bất chấp tất cả để câu view, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của bản thân và người khác.
Theo Fox News, vào đầu năm 2023, một nữ sinh Argentina 12 tuổi được cho là đã tử vong sau khi tham gia thử thách “nghẹt thở” trên TikTok. Thử thách này đã bị cáo buộc làm ít nhất 20 trẻ em thiệt mạng từ năm 2021 đến nay.
Thử thách là một trong những tính năng cốt lõi của TikTok, đến mức các đối thủ cạnh tranh đã cố gắng tích hợp chúng vào nền tảng của họ nhằm thu hút người dùng. Một số thử thách chỉ đơn giản là thực hiện vài động tác nhảy, trong khi những thử thách khác thì không lành mạnh như vậy.
TikTok hiện đang phải đối mặt với nhiều vụ kiện từ các bậc cha mẹ, cáo buộc công ty đã khiến con họ thiệt mạng khi làm theo các thử thách trên TikTok.
Cụ thể, đơn kiện cáo buộc ít nhất 7 trẻ em đã thiệt mạng vào năm ngoái khi thực hiện theo “blackout challenge” (thử thách mất điện) trên TikTok. Đơn cử như tự thắt cổ mình bằng dây thắt lưng, dây giỏ hoặc bất cứ thứ gì tương tự cho đến khi ngất đi.
“TikTok hiện tại không làm tốt do để tin xấu lan truyền nhiều, ảnh hưởng đến cách thức, hành vi và tương lai của giới trẻ. Công ty nên có biện pháp lọc nội dung không tốt, ngăn chặn thông tin xấu từ video hoặc livestream.
Đồng thời giới hạn thời gian sử dụng cùng các cảnh báo rõ ràng để người dùng nhận biết”, Anh Nguyễn Phạm Hoàng Huy, Chủ nhiệm bộ môn Thương mại điện tử Trường FPT Polytechnic cho biết.
Để cắt giảm việc nghiện TikTok và các nội dung khác trên mạng xã hội, các chuyên gia khuyến cáo thay vì loại bỏ hoàn toàn chúng khỏi cuộc sống, bạn hãy cố gắng hạn chế việc sử dụng TikTok trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày.
Khi bạn cảm thấy muốn mở TikTok, hãy làm một việc gì đó khác như đọc một trang sách để tạo điều kiện cho bản thân không bị thôi thúc, hoặc tham khảo cách cai nghiện TikTok tại đây.
Tại cuộc họp báo vào ngày 5-5 vừa qua, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết sẽ bắt đầu thanh tra toàn diện TikTok Việt Nam từ ngày 15-5.