Thủ tướng: Các bộ, ngành cần chủ động gỡ khó cho TP.HCM

Thủ tướng: Các bộ, ngành cần chủ động gỡ khó cho TP.HCM

(PLO)- Thủ tướng chỉ đạo TP.HCM cần bình tĩnh, chủ động, linh hoạt xử lý vấn đề với tinh thần “không cầu toàn, không nóng vội, không chủ quan cũng không bi quan”.

Ngày 16-4, đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM. Buổi làm việc nhằm tháo gỡ phần nào những vướng mắc của TP.HCM, trong bối cảnh các chỉ số kinh tế quý I-2023 của đầu tàu kinh tế của cả nước sụt giảm.

Nhận diện rõ ràng các khó khăn

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn đồng hành, chia sẻ trên tinh thần hiệu lực, hiệu quả với TP.HCM và TP.HCM cũng luôn đồng hành, trách nhiệm cùng cả nước.

Ông khẳng định lại một lần nữa về tầm quan trọng của TP.HCM, là đầu tàu kinh tế của cả nước, cực tăng trưởng của quốc gia.

Thủ tướng điểm qua một vài điểm bật của kinh tế TP.HCM trong quý I, đã giúp ổn định kinh tế vi mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập, nguyên nhân chủ quan, khách quan khi các động lực tăng trưởng kinh tế của TP sụt giảm như giải ngân đầu tư công chậm, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, sức khỏe của doanh nghiệp (DN) bị bào mòn sau đại dịch COVID-19 và chưa hoàn toàn khôi phục, tiêu dùng gặp khó khăn…

“Bác sĩ đã khám ra bệnh, kê đơn, bốc thuốc rồi nhưng bệnh nhân chưa xài, chưa uống hoặc uống cũng chưa đúng, chưa đủ liều, hay uống nhưng chưa đủ nhu cầu” - Thủ tướng ví von và cho rằng phải tháo gỡ khó khăn sớm để nhanh chóng vượt qua thách thức.

Thường trực Chính phủ làm việc với TP.HCM để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: Chinhphu.vn

Thường trực Chính phủ làm việc với TP.HCM để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: Chinhphu.vn

Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư xã hội

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu cần tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện hấp thụ vốn cho DN và người dân.

TP.HCM cần tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản với từng dự án, DN; các quy định về PCCC… Quy hoạch giao đất, định giá đất, tập trung chỉ đạo hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, kích cầu đầu tư, kích thích tiêu dùng…

Cùng đó, cần tập trung vào ba động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Lấy đầu tư công làm nguồn lực dẫn dắt đầu tư xã hội, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đầu tư công.

Về vấn đề xuất khẩu, cần cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Thủ tướng lưu ý TP.HCM cần giải quyết các vấn đề trước mắt, vừa xử lý các vấn đề lâu dài. Trong đó, trước mắt là thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải cách hành chính. Về lâu dài phải thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu.

Không hợp thức hóa sai phạm nhưng phải có chính sách

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thành quy hoạch TP.HCM trong năm nay. Các bộ, ngành liên quan cần tập trung hỗ trợ cho TP, thậm chí cử người vào làm với TP, phải khẩn trương làm nhanh đối với các quy hoạch của TP.

Xử lý các vấn đề chắc chắn, chủ động, linh hoạt

TP.HCM cần bám sát vào mục tiêu cụ thể, kiên trì để ổn định kinh tế vi mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng tưởng, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Chính quyền TP.HCM cần bình tĩnh, chắc chắn, chủ động, kịp thời, linh hoạt để xử lý vấn đề có hiệu quả, kịp thời. Giải quyết cả ba nhóm công việc gồm: Công việc thường xuyên, công việc tồn đọng, công việc phát sinh với tinh thần “không cầu toàn, không nóng vội, không chủ quan cũng không bi quan”.

Triển khai quyết liệt, đồng bộ các nghị quyết của trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ… Nhất là các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ gần đây về tháo gỡ các khó khăn trong một số lĩnh vực.

TP cần xây dựng giải pháp thúc đẩy việc hấp thụ vốn, tiếp cận vốn, giãn nợ, khoanh nợ, giảm thuế, phí lệ phí. Chính phủ đã và đang ban hành nội dung này nhưng TP.HCM cũng cần thực hiện hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chính quyền TP.HCM giải quyết cụ thể các dự án về bất động sản, nhất là các DN lớn một cách linh hoạt. “Có những cái phải làm nhanh, linh hoạt tháo gỡ dựa vào quy định của luật” - ông nói.

Đồng thời tập trung xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Ngân hàng cần có trách nhiệm thẩm định, chính quyền địa phương phải vào cuộc thì mới ra được vấn đề, quy hoạch đất cho xây nhà ở xã hội, cho công nhân, đất cho khu công nghiệp…

Với nội dung gỡ vướng cho dự án bất động sản liên quan đến các khu đất của DN nhà nước đã cổ phần hóa, Thủ tướng chỉ đạo đối với các dự án có kết luận thanh tra, kiểm tra, phán xét của tòa án nhưng sau đó có những vướng mắc không giải quyết được, Chính phủ xin Bộ Chính trị chủ trương, từ đó thể chế hóa cơ chế giải quyết.

“Tinh thần là không hợp thức hóa sai phạm nhưng phải tìm cơ chế, chính sách giải quyết việc này để giải phóng nguồn lực. Thanh tra Chính phủ phải khẩn trương việc này với sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái” - Thủ tướng chỉ đạo.

TP.HCM cũng cần tập trung giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm về giao thông, bồi thường tái định cư; giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao chỉ số PCI, PAPI… bằng hành động, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn trực tiếp để tạo niềm tin, tạo động lực xã hội.

Thủ tướng yêu cầu rà soát lại công tác cán bộ, tiến hành điều chuyển, thay đổi, xử lý cán bộ e dè, sợ trách nhiệm.

Quan trọng hơn là cần tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ làm việc; động viên, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nói, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Xử lý quyết liệt những tồn đọng liên quan đến công tác cán bộ, soát xét lại năng lực cán bộ cho phù hợp, ngăn ngừa những hành vi sai phạm mới.

Bộ trưởng KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG:

Những cái đã được phân cấp thì cần chủ động làm

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chỉ ra câu chuyện, trong năm 2022, bộ này đã tiếp nhận 584 văn bản hỏi ý kiến của TP.HCM. Bộ đã có 604 văn bản trả lời. Trung bình mỗi ngày, bộ phải trả lời cho TP.HCM hai văn bản; trong khi các nội dung mà TP hỏi đều thuộc thẩm quyền của TP.

“Đây là điều rất vô lý, cho thấy chúng ta sợ hoặc đùn đẩy nhau. Chúng tôi còn trăm ngàn việc khác, trong khi trách nhiệm đã được phân công, phân cấp” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói thẳng. ông cho rằng chính tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, chờ hướng dẫn, chưa chủ động, quyết liệt trong thực hiện đó đã kìm hãm sự phát triển của TP.

Trung tướng LÊ QUỐC HÙNG, Thứ trưởng Bộ Công an:

Xử lý cán bộ sai phạm như bài thuốc chữa bệnh

Nêu ý kiến tại buổi làm việc, Trung trướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, đánh giá cao tinh thần nhìn thẳng vào cái chưa được của lãnh đạo TP (về đội ngũ cán bộ). Theo ông, đó là sự co cụm, cầu an, thận trọng quá mức…

“Chúng ta không thể đổ lỗi do xử lý mạnh tay tội phạm tham nhũng dẫn đến tình trạng này. Không có việc hình sự hóa các vụ việc hành chính mà xử lý rất hợp tình, hợp lý”, ông nói. Theo Trung tướng Hùng, có những việc đáng lẽ ra theo thẩm quyền, quy chế làm việc đã được quyết nhưng các cơ quan, đơn vị vẫn máy móc lấy ý kiến rất nhiều bộ, ban ngành. Trong khi có những cái không thuộc phạm vi thẩm quyền trả lời nên các bộ, ban ngành không trả lời cũng khó, trả lời cũng rất khó. Thời gian chờ đợi ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ĐÀO NGỌC DUNG:

Để khắc phục được tư tưởng “ba không” cần có cơ chế cụ thể

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng vấn đề quan trọng hàng đầu của TP.HCM cũng như các địa phương khác là phải giải phóng được tư tưởng cho cán bộ, công chức. Muốn làm được điều này, phải khắc phục được tư tưởng “ba không” của một bộ phận cán bộ hiện nay, đó là “không nói, không tham mưu đề xuất, không triển khai hoặc triển khai cầm chừng”, vừa làm vừa nghe ngóng.

Theo đó, không chỉ cần chủ trương mà còn cần có cơ chế, quy định để tạo môi trường an toàn cho cán bộ làm việc.

Đọc thêm