Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói về Dự án gang thép Long Sơn

(PLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho hay quan điểm nhất quán của tỉnh là không đánh đổi môi trường để lấy phát triển kinh tế - xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Đối với các hộ dân bị ảnh hưởng do dự án gang thép Long Sơn, trong chính sách bồi thường, quan điểm nhất quán của tỉnh là để người dân cảm thấy hạnh phúc vì họ đã mất chỗ ở, chính sách bồi thường phải đi kèm với sinh kế ổn định và dài hơi” - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn khẳng định.

Thông tin trên do ông Phạm Anh Tuấn trả lời câu hỏi của PLO về dự án gang thép Long Sơn được chấp thuận chủ trương đầu tư ở Lộ Diêu, thị xã Hoài Nhơn tại cuộc họp báo tình hình kinh tế xã hội do UBND tỉnh tổ chức ngày 13-4.

Báo chí đặt câu hỏi tại buổi họp báo

Báo chí đặt câu hỏi tại buổi họp báo. Ảnh: QN

Ông Tuấn cho rằng dự án gang thép Long Sơn đã có chủ trương từ lâu, ban đầu dự kiến ở Phù Mỹ rồi chuyển về Lộ Diêu do khi đi sâu nghiên cứu thì Phù Mỹ có nhiều thứ bất lợi, nguy cơ rủi ro nên tiếp tục khảo sát, và thấy Lộ Diêu hợp lý về mọi thứ, nên mới quyết định chuyển địa điểm.

Tại cuộc họp báo, PV PLO đặt câu hỏi: Vì sao không chọn một vị trí khác mà chọn khu vực có bãi biển được đánh giá là đẹp bậc nhất duyên hải miền Trung vốn được ưu tiên để phát triển du lịch?

Ông Tuấn cho rằng du lịch chỉ là một trong năm trụ cột, tỉnh có 134 km bờ biển nên chọn Lộ Diêu chỉ ảnh hưởng khoảng 4 km bờ biển.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thông tin đến báo chí liên quan đến dự án gang thép Long Sơn

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thông tin đến báo chí liên quan đến dự án gang thép Long Sơn. Ảnh: QN

“Còn nhiều chỗ để phát triển du lịch. Đấy là chúng tôi mới nói ở bờ biển, chưa nói đến ở phía Tây có rất nhiều khu vực để phát triển du lịch. Rất nhiều khu vực có thể triển khai phát triển du lịch mà hiện nay chúng tôi đang triển khai… Có 4/134 km (bờ biển) thì nói thật là không ảnh hưởng nhiều, mà có thể nói không ảnh hưởng, không đáng bao nhiêu” - ông Tuấn nói.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, tỉnh muốn phát triển thì phải có một số dự án lớn dẫn dắt, Long Sơn là một trong những dự án lớn để tạo đột phá. Khi dự án đi vào hoạt động, ngoài thu ngân sách, còn tạo công ăn việc làm, kéo rất nhiều doanh nghiệp về với các dự án phụ trợ.

Đối với câu hỏi về tác động môi trường của dự án, ông Tuấn nói rằng quan điểm nhất quán của tỉnh là không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế xã hội. Dự án mới bắt đầu có chủ trương, nghiên cứu để xây dựng dự án, và chấp thuận để nhà đầu tư khảo sát, xây dựng, trình đề án để Chính phủ phê duyệt, trong đó là Bộ TN&MT phải có trách nhiệm thẩm định, thẩm tra về môi trường

Một góc bãi biển Lộ Diêu

Một góc bãi biển Lộ Diêu. Ảnh: QN

Trước khi trình đề án, tỉnh phải quan tâm đến một số việc: công nghệ hiện đại, môi trường theo tiêu chuẩn Việt Nam, quyền lợi người dân trong khu vực bị ảnh hưởng phải đảm bảo khi di dời, ít nhất là bằng thậm chí tốt hơn, và tạo sinh kế ổn định, lâu dài cho người dân tốt hơn...

Riêng đối với nhà đầu tư, ông Tuấn cho rằng, đầu tiên nhà đầu tư phải có năng lực tài chính và đảm bảo vấn đề về công nghệ. Vấn đề thẩm định công nghệ cũng như vấn đề môi trường thì được nhiều cấp thẩm định rất chặt chẽ.

Đối với câu hỏi của PLO về thu hồi đất để thực hiện dự án, lãnh đạo UBND tỉnh cho rằng về nguyên tắc thì nhà đầu tư thỏa thuận với người dân. Tuy nhiên, đây là dự án trọng điểm nên tỉnh sẽ đồng hành với doanh nghiệp để thỏa thuận với người dân theo chính sách bồi thường hợp lý, đảm bảo bà con hạnh phúc.

Theo ông Tuấn, đối với các hộ dân bị ảnh hưởng, trong chính sách bồi thường, quan điểm nhất quán là để người dân cảm thấy hạnh phúc vì họ đã mất chỗ ở; chính sách bồi thường phải đi kèm với sinh kế ổn định và dài hơi.

Hầu hết người dân ở Lộ Diêu sống bằng nghề biển

Hầu hết người dân ở Lộ Diêu sống bằng nghề biển. Ảnh: QN

Ông Tuấn yêu cầu khi xây dựng chính sách bồi thường, nhà đầu tư phải bám vào chính sách bồi thường của tỉnh đang bồi thường các dự án, hỗ trợ thêm của doanh nghiệp, hỗ trợ về an sinh xã hội, đặc biệt là sinh kế.

“Chúng tôi yêu cầu nhà đầu tư phối hợp với chính quyền lập phương án hỗ trợ cho từng hộ gia đình, trong đó tính cả yếu tố đối với gia đình chính sách, tìm hiểu kỹ từng trường hợp để có phương án bồi thường phù hợp, đặc biệt là vấn đề sinh kế lâu dài bởi chủ yếu làm nghề nông, thương mại, nghề đi biển" - ông Tuấn nói.

Đối với những lo ngại về dự án sẽ ảnh hưởng đến di tích ở Lộ Diêu, lãnh đạo UBND tỉnh cũng khẳng định, riêng đối với di tích tàu không số sẽ được bảo vệ, không làm thay đổi, thậm chí còn được tôn tạo đẹp hơn để tạo điểm nhấn tại khu vực.

Tổng vốn đầu tư lên đến 53. 500 tỉ đồng

Năm 2022, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Gang thép Long Sơn đầu tư dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn).

Theo dự kiến, khu liên hợp Gang thép Long Sơn xây dựng trên diện tích 468 ha, tổng vốn 53.500 tỉ đồng. Dự án chia làm ba giai đoạn đầu tư, công suất 5,4 triệu tấn/năm, bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng, thép cuộn…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm