Chỏi luật nên phá sản

rong số chín giải pháp chống kẹt xe trước mắt và lâu dài được Sở Giao thông Công chính (GTCC) tham mưu cho UBND TP.HCM có nhiều giải pháp không phù hợp với thực tế, thậm chí trái luật. Do đó, khi thực hiện đã không mang lại hiệu quả mà còn làm xáo trộn đời sống người dân.

Lệch ca, lệch giờ: Chỏi với luật lao động

Vừa qua, các sở GTCC, Lao động-Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo TP.HCM... đã không thể hoàn chỉnh đề án làm lệch ca, học lệch giờ để trình UBND TP vào cuối tháng 10-2007 theo đúng kế hoạch.

Đối với khối cơ quan thuộc TP (sở, ban ngành, quận, huyện, đoàn thể...), UBND TP có thể ra quyết định về làm lệch giờ. Thế nhưng TP không thể áp đặt cho các cơ quan trung ương đóng tại TP vì giờ làm việc của họ là thống nhất trên toàn quốc. Việc tổ chức học lệch giờ khối trường học (từ mầm non đến đại học) cũng vấp phải sự phản đối của đa số phụ huynh học sinh và nhiều trường. Học lệch giờ sẽ ảnh hưởng lớn đến giờ giấc làm việc và sinh hoạt của phụ huynh, giáo viên, học sinh, cũng như xáo trộn tổ chức của nhà trường.

Khối doanh nghiệp (công ty, khách sạn, nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại...) thì chỉ tuân thủ Bộ luật Lao động về số giờ làm việc mà không buộc phải tuân theo mệnh lệnh của TP về thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ngày giờ làm việc. Hiện đang là cao điểm sản xuất, dịch vụ cuối năm nên các doanh nghiệp sẽ tăng ca, tăng giờ làm sau khi thỏa thuận về tiền lương, tiền công với người lao động. Do đó, ý tưởng buộc các doanh nghiệp làm việc lệch ca từ sau ngày 15-10 đã bị phá sản.

Rõ ràng làm lệch ca, học lệch giờ là việc rất lớn, cần nhiều thời gian nghiên cứu, hoàn chỉnh. Các cơ quan của TP đã nghiên cứu, xây dựng đề án này từ năm 2001, đến năm 2003 mới trình HĐND TP nhưng không thuyết phục được các đại biểu bỏ phiếu thông qua. Nay trong tình thế cấp bách, Sở GTCC ấn định cho các cơ quan khác hoàn chỉnh đề án này chỉ trong 25 ngày thì khó mà thành công được.

Cắt tuyến xe buýt: Hành khách bị “treo giò”!

Mấy năm qua, Sở GTCC đã cho phép đầu tư ồ ạt hàng ngàn xe buýt lớn trong khi chỉ có 14% tuyến đường của TP có đủ khả năng đáp ứng hoạt động của loại xe buýt này. Đến khi nạn kẹt xe tại TP ngày càng nghiêm trọng thì Sở GTCC lúng túng trong việc bố trí lại biểu đồ chạy xe, cắt tuyến, giảm chuyến xe buýt. Vào giờ cao điểm, nếu giảm chuyến xe buýt thì không đủ xe phục vụ hành khách, còn tăng chuyến xe hay giữ nguyên thì sẽ tiếp tục gây ùn tắc giao thông.

Sở GTCC vừa quyết định giảm tuyến, chuyển hướng tuyến đồng loạt ở các đơn vị xe buýt. Do không khảo sát thực tế nên có những tuyến đông khách như tuyến số 8 (Chợ Lớn - Đại học Quốc gia) có hơn 100 hành khách/chuyến cũng bị cắt giảm 20 chuyến như các tuyến khác chỉ có 5-10 hành khách/chuyến. Việc phân luồng một số tuyến đường từ hai chiều thành một chiều như vừa qua cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hành khách, nhất là người đi xe buýt theo vé tháng, vé tập. Việc cắt tuyến, giảm chuyến, chuyển hướng tuyến xe buýt... sẽ khiến nhiều hành khách giã từ xe buýt để quay về phương tiện cá nhân.

Kẹt xe còn căng thẳng tới đầu năm 2008

Chiều qua (19-11), ông Đậu An Phúc, Phó Trưởng phòng Quản lý giao thông, Sở GTCC TP.HCM, cho biết từ nay đến đầu năm 2008 sẽ triển khai đào đường đồng loạt trên nhiều tuyến đường để thực hiện dự án vệ sinh môi trường nước TP. Đó là các tuyến đường: Âu Cơ, Lũy Bán Bích, Lê Đại Hành, Tân Kỳ Tân Quý, Trường Chinh, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Kiệm, Điện Biên Phủ, Ba Tháng Hai... Đây là các tuyến đường trục của TP, khi thi công sẽ dựng hàng rào che chắn làm mặt đường bị thu hẹp. Hơn nữa, thời điểm thi công là cao điểm đi lại cuối năm dương lịch và âm lịch nên tình hình ùn tắc giao thông sẽ tiếp tục căng thẳng.

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm