Vì không đủ thời gian nên Thủ tướng đã lựa chọn một số vấn đề trả lời trước cử tri cả nước: Chủ trương của Chính phủ trong việc bảo vệ chủ quyền ở biển Đông; căn cứ đề nghị QH xây dựng Luật Biểu tình và quan điểm của Chính phủ trước việc người dân biểu tình phản đối việc xâm phạm chủ quyền biển, đảo.
Đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) mở màn: “Xin Thủ tướng cho biết những giải pháp cụ thể mà Chính phủ sẽ thực hiện trong thời gian tới để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của chúng ta?”. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) hỏi tiếp: “Chính phủ đã có những giải pháp gì để ngư dân yên tâm bám biển, nhất là ở ngư trường truyền thống là ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa để đẩy lùi những nước dùng sức mạnh thu hồi lưới, thuyền và bắt nhốt ngư dân ta?”.
Trả lời các ĐB, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: Chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền đối với bốn loại vấn đề trên biển Đông.
Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa của ta
Vấn đề thứ nhất là việc đàm phán phân định ranh giới vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ. Trong vịnh Bắc Bộ, sau nhiều năm đàm phán, ta và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận phân định ranh giới năm 2000, còn vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ nếu theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) thì thềm lục địa của nước ta có chồng lấn với đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Từ năm 2006, hai bên đã tiến hành đàm phán, tới năm 2009 thì tạm dừng vì lập trường hai bên còn rất khác nhau. Đầu năm 2010, Việt Nam - Trung Quốc thống nhất nên tiến hành đàm phán những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Trong khi chưa phân định thì trên thực tế, với chừng mực khác nhau, hai bên cũng đã tự hình thành vùng quản lý của mình trên cơ sở đường trung tuyến. Cũng trên cơ sở này, chúng ta có đối thoại với Trung Quốc để bảo đảm cho việc an ninh, an toàn trong việc khai thác nghề cá của đồng bào chúng ta.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN
Vấn đề thứ hai phải giải quyết và khẳng định chủ quyền là vấn đề quần đảo Hoàng Sa. Chúng ta đã làm chủ thực sự hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ít nhất là từ thế kỷ XVII, khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ một quốc gia nào. Năm 1956, Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa lúc đó...
Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình.
Tăng khả năng tự vệ của quân dân Trường Sa
Vấn đề thứ ba là quần đảo Trường Sa. Năm 1975, khi giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, hải quân ta đã tiếp quản năm hòn đảo tại quần đảo Trường Sa. Sau đó, chúng ta tiếp tục mở rộng thêm lên 21 đảo với 33 điểm đóng quân. Ngoài ra, chúng ta còn xây dựng thêm 15 nhà giàn để khẳng định chủ quyền của chúng ta ở vùng biển này.
Việt Nam là quốc gia có số đảo đang đóng giữ nhiều nhất so với các quốc gia và các bên có đòi hỏi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn sinh sống trên một số đảo mà chúng ta đang đóng giữ.
Đối với việc thực hiện chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, chủ trương của chúng ta là nghiêm túc thực hiện UNCLOS 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC) và các nguyên tắc thỏa thuận mới đây mà chúng ta đã ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cụ thể là chúng ta yêu cầu các bên giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm, gây ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực này.
Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội và cơ sở vật chất, kỹ thuật ở những nơi chúng ta đang đóng giữ để cải thiện đời sống và tăng cường khả năng tự vệ của quân dân trên đảo…
Vấn đề lớn cuối cùng là phải giải quyết và khẳng định chủ quyền của chúng ta trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo UNCLOS 1982.
Làm Luật Biểu tình để bảo đảm quyền của người dân ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) muốn biết về những căn cứ mà Chính phủ đề nghị QH xem xét đưa vào Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng pháp luật? Thủ tướng đáp: Việc này là để thực hiện hiến pháp. Điều 69 quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật nhưng chúng ta chưa có Luật Biểu tình. Thực tế cuộc sống hiện nay có nhiều cuộc đồng bào ta tụ tập đông người, biểu tình để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với chính quyền nhưng chúng ta chưa có luật để điều chỉnh. “Cũng khó cho người dân khi thực hiện quyền được hiến pháp quy định và cũng khó cho quản lý của chính quyền, đã khó như thế sẽ nảy sinh lúng túng trong quản lý. Từ đó đã xuất hiện những biểu hiện mất an ninh trật tự, xuất hiện những việc lợi dụng để kích động, xuyên tạc gây phương hại cho xã hội” - Thủ tướng nói. Thủ tướng cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2005 để điều chỉnh hiện tượng này nhưng nghị định hiệu lực pháp luật thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, tầm mức như hiến pháp quy định và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống đang đặt ra. Luật Biểu tình, theo Thủ tướng, phải phù hợp với hiến pháp, với đặc điểm lịch sử, văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế và cũng để đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân. Luật đó cũng có yêu cầu là ngăn chặn những việc làm, những hành vi gây xâm hại đến an ninh trật tự, đến lợi ích của xã hội và nhân dân. ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang) hỏi về quan điểm và chủ trương của Chính phủ đối với việc người dân biểu thị lòng yêu nước trước những hành động của các thế lực bên ngoài vi phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Thủ tướng cho hay: Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, của Chính phủ là luôn luôn trân trọng, hoan nghênh, khuyến khích, biểu dương, khen thưởng xứng đáng đối với tất cả hoạt động, việc làm của mọi người dân thật sự vì mục tiêu yêu nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nhưng đồng thời cũng không hoan nghênh và buộc phải xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những hoạt động, những hành vi với động cơ lợi dụng danh nghĩa lòng yêu nước, lợi dụng danh nghĩa bảo vệ chủ quyền để thực hiện mục tiêu, mục đích gây phương hại cho đất nước, cho xã hội. Những câu hỏi còn bỏ ngỏ - ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) và ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên) đề nghị cho biết việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong vụ việc Vinashin, đặc biệt là kết quả tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin? - ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) hỏi: Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng nhà Quốc hội kịp phục vụ 1.000 năm Thăng Long. Đến nay đã qua hơn một năm mà khung của tòa nhà mới thấp thoáng chuẩn bị nhô lên mặt đất. Bao giờ QH mới hết “hai nhờ” là họp nhờ một bộ, các cơ quan của QH làm việc nhờ nhà khách Chính phủ?... Với những câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết sẽ trả lời bằng văn bản trực tiếp đến các vị ĐBQH và “nếu cần thiết, chúng tôi sẽ công bố trả lời của tôi trên cổng thông tin của Chính phủ để đồng chí, đồng bào biết rõ...”. |
ĐỨC MINH