Tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) ngày 27-8, dù ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đã lưu ý các đại biểu thảo luận cân bằng các vấn đề nhưng kinh doanh vận tải, đặc biệt là taxi vẫn là chủ đề nóng.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nói ông rất đồng tình khi Bộ GTVT đưa ra các quy định để nhận biết quản lý xe theo cách thay đổi màu biển số. Màu biển số sẽ phân biệt được xe nào là kinh doanh, xe nào là không kinh doanh.
“Hiện nay đang có sự xung đột hết sức quyết liệt giữa taxi truyền thống và Grab. Một anh “mũ mão cân đai” còn một anh chả có gì, lẫn với xe cá nhân” - ông Thanh nói và khẳng định lại sự đồng tình về việc dùng màu biển số nhằm quản lý xe để “người trần mắt thịt” cũng biết được.
Ông Thanh cũng nêu quan điểm phải tạo môi trường để các loại hình phương tiện cùng cạnh tranh bình đẳng. “Ông nào kém phải rời bỏ thị trường thì cũng tâm phục khẩu phục. Trong các tiêu chí về lĩnh vực này thì cạnh tranh công bằng cần phải đạt được” - ông Thanh nói.
Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT, trong phần giới thiệu dự án luật cũng cho hay: Trong thời gian qua việc sử dụng phương tiện cá nhân vào kinh doanh vận tải diễn ra khá phổ biến, gây nên tình trạng lộn xộn trong hoạt động vận tải, tạo ra bất bình đẳng. Vì thế, cần có quy định phân biệt giữa phương tiện kinh doanh vận tải và phương tiện cá nhân để đảm bảo môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh, minh bạch, công bằng cũng như đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ vận tải đường bộ.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cũng cho rằng vấn đề năm loại hình vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không và đường ống (dẫn dầu, nhiên liệu…) - PV) được quy định như trong luật năm 2008 hiện đã không còn phù hợp. Bởi vậy cần phải nghiên cứu quy định khung để có thể phát triển theo định hướng thị trường. “Không bó các loại hình vận tải vào cái áo chật nữa” - bà Hiền ví von.