Ngoài 207 ngành ĐH của 71 trường bị dừng tuyển sinh từ năm 2014, Bộ GD&ĐT cũng cảnh báo 47 ngành ĐH thuộc 10 trường tại khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, cùng 296 ngành CĐ thuộc 74 trường ĐH có nguy cơ bị dừng tuyển sinh! Đây là quyết định do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga ký vào thứ Bảy cuối cùng của năm Quý Tỵ (ngày 25-1).
Thí sinh dự thi ĐH năm 2013 tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Năm 2014, trường này bị dừng tuyển sinh ba ngành. Ảnh: QUỐC DŨNG
14/17 ngành bị dừng tuyển sinh
Quyết định dừng tuyển sinh năm 2014 chủ yếu rơi vào các trường ĐH công lập. đáng chú ý là các trường ĐH tốp đầu cũng có nhiều ngành truyền thống buộc phải ngưng đào tạo.
Chẳng hạn, Trường ĐH Y Dược TP.HCM không được tuyển sinh ngành kỹ thuật y học (hình ảnh), kỹ thuật phục hình răng, vật lý trị liệu-phục hồi chức năng. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có tám ngành bị dừng tuyển sinh dù đây là các ngành đặc thù gồm toán, hóa, sinh, văn, tâm lý học, giáo dục công dân, sư phạm mỹ thuật, công nghệ thông tin.
Các ĐH vùng gồm ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên có 1-5 trường thành viên có ngành bị dừng tuyển sinh. Trong đó, ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế chủ yếu bị dừng các ngành ngôn ngữ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Còn hai ĐH lớn là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM cũng không nằm ngoài danh sách này. ĐH Quốc gia Hà Nội có ngành ngôn ngữ Ả Rập của Trường ĐH Ngoại ngữ bị dừng; còn ĐH Quốc gia TP.HCM có ngành hải dương học (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên), ngôn ngữ Tây Ban Nha, Hán Nôm, ngôn ngữ Ý (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn).
Trong khi đó, khối các trường văn hóa nghệ thuật ở cả hai miền như ĐH Mỹ thuật, ĐH Sân khấu Điện ảnh, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP.HCM… lại bị dừng chính các ngành thế mạnh như điêu khắc, thiết kế đồ họa, đồ họa, đạo diễn điện ảnh-truyền hình, đạo diễn sân khấu, thanh nhạc, biên kịch… Cá biệt, Học viện Hàng không phải ngưng tuyển ngành quản lý hoạt động bay. Đáng chú ý, Trường ĐH Hà Tĩnh đào tạo 17 ngành học thì buộc phải ngừng đào tạo 14 ngành.
Không đủ giảng viên cơ hữu
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Những trường có ngành bị dừng tuyển sinh do không đủ điều kiện giảng viên cơ hữu. Thông tư 08 ban hành ngày 17-2-2011 về quy định để được mở ngành ĐH, trường phải có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất một giảng viên có trình độ tiến sĩ và ba giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký. Ngoài ra còn phải có chương trình đào tạo của ngành đăng ký đào tạo, có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm đáp ứng yêu cầu của ngành…”.
Tuy nhiên, theo quyết định dừng tuyển sinh của 207 ngành thì hầu hết các ngành đều không có tiến sĩ (chưa kể nhiều ngành bỏ trống thông tin về giảng viên thay vì ghi số 0); số thạc sĩ nhiều ngành cũng chỉ có 1-5 người, chưa kể không ít ngành trắng thạc sĩ, còn lại chủ yếu là giảng viên cơ hữu có trình độ ĐH. “Đây là lý do Bộ GD&ĐT quyết định dừng tuyển sinh các ngành này để cảnh báo các trường cần quan tâm, bồi dưỡng, bổ sung đội ngũ giảng viên…” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.
Một số trường phản ứng, cho rằng rất ngạc nhiên trước quyết định dừng tuyển sinh, chưa kể khi trường mở ngành học Bộ đã thẩm định các điều kiện thì nay sao lại buộc các trường ngưng tuyển. Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói: “Ngày 29-3-2013, Bộ đã có công văn gửi các ĐH, học viện và trường ĐH lập báo cáo thống kê về thông tin chung, thông tin về ngành đào tạo, quy mô sinh viên và đội ngũ giảng viên cơ hữu. Căn cứ báo cáo của các trường, Bộ tiến hành khảo sát, thống kê và đánh giá một số điều kiện đảm bảo chất lượng. Kết quả khảo sát này được sử dụng để đánh giá việc bảo đảm các điều kiện được phép đào tạo (quy định tại Thông tư 08), đối với từng ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ; đánh giá việc xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh; bổ sung cơ sở dữ liệu trong hệ thống thông tin quản lý giáo dục ĐH. Sau khi xử lý kết quả thống kê, Bộ đã ra quyết định như trên”.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết: “Báo cáo thống kê có xác nhận của nhà trường và Bộ đã đề nghị các trường thực hiện nghiêm túc nội dung báo cáo, yêu cầu gửi về Bộ trước ngày 1-7-2013. Do đó, các trường phải báo cáo trung thực và không được đối phó. Động thái này của Bộ nhằm tránh việc các trường không phải được mở ngành đào tạo rồi đào tạo mãi mà không phải kiểm tra. Từ nay, tất cả các trường sau thời gian cho phép mở ngành thì Bộ sẽ kiểm tra, giám sát xem lực lượng giảng viên, cơ sở vật chất… có đảm bảo hay không”.
296 ngành của 74 trường CĐ có nguy cơ bị dừng tuyển sinh Bộ GD&ĐT cũng cảnh báo 74 trường ĐH có đào tạo CĐ không đảm bảo điều kiện giảng viên cơ hữu (đội ngũ giảng viên cơ hữu chủ trì ngành CĐ không đủ bốn thạc sĩ, sau khi trừ đi số giảng viên cơ hữu chủ trì ngành ĐH tương ứng). 296 ngành này tạm thời được tiếp tục tuyển sinh nhưng các trường phải lập kế hoạch củng cố, bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu. Chậm nhất trước ngày 31-12-2014 các trường phải có báo cáo gửi Bộ. Sau ngày này, những ngành không có báo cáo hoặc không bổ sung được đội ngũ giảng viên cơ hữu theo quy định sẽ bị dừng tuyển sinh. Tiêu điểm 31-12-2015 Là hạn cuối để các trường khắc phục các nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ tuyển sinh của các ngành và báo cáo Bộ GD&ĐT để được xem xét cho phép tuyển sinh trở lại. Sau ngày này, đối với những ngành chưa khắc phục được, Bộ sẽ thu hồi quyết định cho phép đào tạo. Đối với sinh viên đã trúng tuyển và đang học tập ở các ngành bị dừng tuyển sinh, các trường vẫn tiếp tục đào tạo theo quy chế đào tạo hiện hành. |
QUỐC DŨNG