Một giáo viên (GV) dạy sử của trường cho biết, ban đầu, tổ trưởng chuyên môn chỉ đạo nâng điểm, vài GV làm theo, nhưng một số người kiên quyết không làm. Sau đó, đích thân hiệu phó là bà Trần Thụy Kim Nhung đến tận lớp chỉ đạo GV phải làm. Cô này trấn an: cứ nâng, phụ huynh (PH) sẽ không kiện cáo vì điểm của con họ được nâng lên. Theo đó, toàn thể học sinh (HS) khối 12 của trường được nâng thêm hai điểm cho bài kiểm tra giữa kỳ môn lịch sử.
Ngày 7/5, sau khi liên lạc nhiều lần qua điện thoại không được, chúng tôi đã đến trường xin gặp Hiệu trưởng Võ Văn Liễu để tìm hiểu vấn đề, nhưng ông Liễu kiên quyết không tiếp phóng viên.
Chúng tôi bèn gọi điện cho bà hiệu phó Trần Thụy Kim Nhung. Bà Nhung cho biết sẽ sắp xếp để gặp chúng tôi, nhưng rồi không liên lạc lại.
Chúng tôi lại tìm cách liên lạc với cô Hồ Thị Tuyết Minh - Tổ trưởng tổ lịch sử, nhưng khi nghe giới thiệu là nhà báo, muốn tìm hiểu việc nâng điểm giữa kỳ môn lịch sử cho HS lớp 12, cô này... cúp máy!
Theo cách tính điểm mới cho kỳ thi tốt nghiệp năm nay, sẽ có sự kết hợp giữa kết quả thi và kết quả đánh giá quá trình học tập để tính điểm bài thi, điểm xét tốt nghiệp và điểm xếp loại tốt nghiệp. Việc công nhận và xếp loại tốt nghiệp sẽ kết hợp theo tỷ lệ 50% là điểm trung bình bốn môn thi tốt nghiệp và 50% là điểm trung bình kết quả học tập năm học lớp 12. Cụ thể, điểm xét tốt nghiệp được tính là: tổng điểm bốn bài thi cộng điểm khuyến khích (nếu có) chia cho bốn, sau đó cộng điểm trung bình năm lớp 12 và chia hai; điểm xếp loại tốt nghiệp được tính là: điểm trung bình bốn bài thi cộng điểm trung bình năm lớp 12 và chia hai.
Như vậy, việc nâng điểm bài thi giữa kỳ môn lịch sử nói trên phải chăng là để “làm đẹp” kết quả môn học này, nâng điểm trung bình năm lớp 12 cho HS, và cũng là để nâng tỷ lệ tốt nghiệp, “cải thiện” tỷ lệ xếp loại tốt nghiệp?
Việc nâng điểm tùy tiện này đã gây bức xúc cho cả GV, PH và HS. Một GV cho biết: “Khi biết lãnh đạo nhà trường chỉ đạo nâng hai điểm cho bài thi giữa kỳ môn lịch sử, chúng tôi rất bất bình. Tôi có hỏi một GV dạy sử, họ cũng bất bình không kém, nhưng vì nhiều lý do, vẫn phải làm theo”. Một PH chia sẻ: “Tôi chỉ mong nhà trường hết lòng trong việc dạy dỗ con cái chúng tôi chứ đâu cần họ cho điểm một cách tùy tiện như vậy. Giáo dục kiểu đó là dạy cho con cái chúng tôi thói ỷ lại và gian dối”. Một HS phân tích: “Nếu cứ nâng hai điểm cho mỗi bạn thì em thấy không công bằng. Em làm bài được sáu điểm, cộng thêm hai điểm, là cộng thêm 33% số điểm; trong khi một bạn làm bài được hai điểm, được cộng hai điểm là cộng 100% số điểm; bạn làm bài được một điểm, cộng hai điểm là cộng 200% số điểm”.
GV và PH HS Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Q.6) rất mong Thanh tra Sở GD-ĐT TP.HCM làm rõ vụ việc trên.
Cho HS khối 10 và 11 nghỉ học từ đầu tháng Năm Ngoài việc nâng điểm bài thi môn lịch sử, nhiều GV của Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Q.6) cũng đang rất bức xúc chuyện trường cho HS các khối 10 và 11 nghỉ học quá sớm. Từ 25/4, sau khi thi học kỳ II xong, HS khối 10 và 11 vẫn còn đến trường, nhưng không học nữa; đến ngày 5/5 thì các em chính thức nghỉ học, dù bài học vẫn còn nhiều. Các môn toán, lý, hóa… còn khoảng bốn - năm bài, môn văn còn khoảng tám - mười bài. Việc cho nghỉ sớm khiến HS bị mất bài, mất kiến thức, sẽ gây khó khăn cho các em trong việc tiếp thu kiến thức vào năm học sau. |
Theo Minh Nhật (PNO)