Ngày 18-1, tại TP.HCM, buổi ra mắt sách “Dạy con trong hạnh phúc” của nhà giáo Bùi Gia Hiếu, đã thu hút đông thầy cô giáo, phụ huynh tham dự và đặt nhiều câu hỏi thực tế trong việc nuôi dạy con cái.
Dạy con "nên người" thay vì "hơn người"
Chia sẻ về cuốn sách, tác giả Bùi Gia Hiếu cho biết cuốn sách được đúc kết từ chính trải nghiệm của ông trong vai trò là một người cha của ba người con và là một nhà giáo dục, đồng thời là từ chứng kiến nhiều thử thách thực tế mà phụ huynh và trẻ em đối mặt trong hơn 10 năm làm hiệu trưởng của ông.
Với triết lý “dạy con nên người thay vì hơn người”, tác giả muốn gửi đến phụ huynh thông điệp rằng “cha mẹ không cần hoàn hảo nhưng cần tận tâm”. Dạy con là hành trình để cha mẹ học hỏi, phát triển bản thân và trở thành tấm gương sáng cho con.
Đặt câu hỏi cho nhà giáo Bùi Gia Hiếu, một phụ huynh hỏi: “Hiện nay đang là thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, liệu những gì chúng ta đang dạy con cái sau này sẽ trở nên lạc hậu? Phải làm sao để các con không bị sao nhãng học tập?”.
Về vấn đề này, nhà giáo Bùi Gia Hiếu cho rằng thời đại hiện nay, không phải là "cá lớn nuốt cá bé" nữa mà là thời đại của "cá nhanh nuốt cá chậm". Thông tin dành cho tất cả mọi người và chỉ cần trong tích tắc là có được, thậm chí rồi robot, những công nghệ AI cũng sẽ làm thay cả con người.
Ông Hiếu chia sẻ: “Cái chúng ta cần cung cấp cho con cái không phải là kiến thức nữa vì đỉnh cao của giáo dục phải là tự giáo dục, là năng lực tự chủ và tự học. Công nghệ có thể thay đổi nhưng ý thức, phương pháp, sự tự giác và nỗ lực, tình yêu thương, tính trách nhiệm, kỷ luật… là những điều luôn cần thiết với bất kỳ ai trong mọi thời đại”.
Từ thực tế công tác trong ngành giáo dục, ông Hiếu cho hay hiện nay, phụ huynh thường quá bận rộn nên dẫn đến vô tình hoặc cố ý tạo ra những cái sai trong việc nuôi dạy con. Điều này dẫn đến “chi phí làm sai luôn lớn hơn rất nhiều so với chi phí làm đúng”.
Đơn cử, vì phụ huynh bận quá, đi làm cả ngày mệt nên khi về nhà, cách nhanh nhất để con ngoan là đưa iPad, điện thoại cho con xem, khiến về lâu dài, điều này ảnh hưởng đến thể chất, tâm lý của con. Có những đứa trẻ mới vào lớp 1 đã có tổn thương tâm lý, tay run vì lướt điện thoại quá nhiều, hỏi gì cũng chỉ gật gật…
Có những phụ huynh dù con thi được 9 điểm rồi nhưng phụ huynh vẫn phải hỏi con là “vậy bạn cao nhất là mấy điểm?”. Điều này là chính phụ huynh tự đặt cho con sự hơn thua, tạo cho con sự đố kị, so sánh, mất niềm tin.
Hoặc phụ huynh thường dạy con bằng ngôn giáo, con phải thế này, con phải thế kia mà không làm gương cho con. Như phụ huynh dạy con biết chia sẻ nhưng khi gặp người ăn xin hay bán vé số là xua đuổi, dạy con phải sạch sẽ gọn gàng nhưng ăn uống xong là vứt rác xuống đất.
Chịu tủi nhục để kiếm nhiều tiền nhưng phải gửi con nội trú
Ông Hiếu kể, trong hơn 10 năm làm hiệu trưởng, cũng như hiện nay khi đứng đầu cả một hệ thống giáo dục với 7 cơ sở, ông đã chứng kiến nhiều phụ huynh khóc lóc ở phòng hiệu trưởng. Có phụ huynh khóc vì con không chịu học, con phải chuyển trường cũng khóc, con thi điểm thấp quá cũng khóc khi trình bày với hiệu trưởng để nhờ giúp đỡ.
Rồi có cả cặp vợ chồng vừa đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc về là đến phòng hiệu trưởng và cùng khóc. Phụ huynh kể rằng cả hai vợ chồng đi xuất khẩu lao động vì muốn có thu nhập cao để cho con điều kiện sống tốt. Vì thế cả hai vợ chồng phải làm cả việc hợp pháp và cả những việc phi pháp, chấp nhận vất vả, tủi nhục. Thế nhưng, khi trở về nhà lại thấy con ăn chơi lêu lổng. Phụ huynh không biết làm thế nào nên tìm cách xin gửi con vào trường nội trú.
Ông Hiếu đúc kết: “Phụ huynh thường nghĩ là cho con ngôi nhà lớn, cho con nhiều tiền, cuộc sống sung sướng mới là lo tốt cho con nhưng quên mất rằng thứ con cần là sự yêu thương, đồng hành của cha mẹ cùng con để dạy con nên người”.
Đặt ra băn khoăn khác, một phụ huynh hỏi: "Tôi không muốn tạo áp lực cho con trong học tập, không muốn con học nhiều nhưng khi thấy kết quả học của con không tốt lại khiến tôi rất lo lắng. Tôi phải làm sao mới đúng cho con?".
Trả lời câu hỏi này, ông Bùi Gia Hiếu thừa nhận rằng hiện nay, ngày càng có nhiều phụ huynh lựa chọn cách học tập nhẹ nhàng cho con, đồng thời tăng các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng.
Ông Hiếu cho rằng đây là lựa chọn tích cực, bởi con cái cần nhất là sống có đạo đức và có nghị lực.
“Thực ra việc học tốt không phải là ở điểm số cao, mà là hành trình học của con, hành trình đó tạo cho con nghị lực, sự rèn luyện và cố gắng vượt qua khó khăn” – ông Hiếu nói.
Từ đây, tác giả Bùi Gia Hiếu nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm dạy con chính phải từ trong gia đình chứ không chỉ trường học. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần đầu tư thời gian chất lượng cho con cái. Con chỉ phát triển tốt khi cha mẹ dành thời gian cùng học với con, trò chuyện với con, cùng con làm việc nhà, cùng con đi tập thể thao….
Tác giả Bùi Gia Hiếu sinh năm 1985, hiện đang là Chủ tịch hội đồng quản trị Hệ thống Trường Phổ thông liên cấp Bamboo (TP.HCM) với 7 cơ sở. Ông là thạc sĩ toán học, từng có 10 năm làm hiệu trưởng trường phổ thông liên cấp, từng là nhà giáo trẻ tiêu biểu của TP.HCM năm 2015 và nhận nhiều bằng khen các cấp về đóng góp cho giáo dục.