Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất ban hành bộ tiêu chí mới về trường tiên tiến, hội nhập quốc tế

(PLO)- Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ tham mưu UBND TP ban hành bộ tiêu chuẩn thực hiện trường tiên tiến, hội nhập quốc tế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trưa 13-1, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết Sở GD&ĐT sẽ căn cứ vào định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ sở giáo dục ban hành và Nghị định số 84/2024 về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP.HCM để tiếp tục tham mưu UBND TP ban hành bộ tiểu chuẩn trường thực hiện chất lượng cao, tiến tiến, hội nhập quốc tế.

Như vậy, mô hình trường chất lượng cao "trường tiên tiến, hội nhập quốc tế" vẫn tiếp tục được triển khai tại các quận/huyện và TP Thủ Đức.

Trước đó, ngày 30-12-2024, UBND TP.HCM đã ra quyết định bãi bỏ các tiêu chí công nhận trường thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” tại TP.HCM.

Quyết định bãi bõ có hiệu lực thực hiện từ ngày 10-1-2025.

Nguyên nhân dẫn đến quyết định bãi bỏ nói trên là do ngày 2-10-2024, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp ban hành Kết luận số 77 về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, nội dung kết luận kiểm tra như sau: Qua rà soát các văn bản được sử dụng làm căn cứ ban hành Quyết định số 07/2022/QĐ-UBND cho thấy không có văn bản nào có nội dung quy định về “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”, không có quy định giao UBND cấp tỉnh quy định về nội dung này. Đồng thời, theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì UBND cấp tỉnh không có thẩm quyền ban hành chính sách. Vì vậy, việc Quyết định số 07/2022/QĐ-UBND quy định về “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”, quy định việc hỗ trợ triển khai và thủ tục công nhận là không có cơ sở pháp lý, không phù hợp về thẩm quyền quy định.

Từ đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kiến nghị UBND TPHCM khẩn trương tổ chức việc tự kiểm tra, xử lý theo đúng quy định, đánh giá hậu quả, tác hại do văn bản trái pháp luật nêu ra.

Mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế

Tính đến nay, ngành GD&ĐT TP đã có 66 trường thực hiện chương trình chất lượng cao (Mầm non: 28 trường; Tiêu học: 18 trường; THCS: 15 trường; THPT: 5 trường). Trong đó có 39 trường đã được UBND TP công nhận đạt (Mầm non: 16 trường; Tiêu học: 12 trường; THCS: 8 trường; THPT: 3 trường).

Việc tổ chức để các trường (mầm non, phổ thông) thực hiện chương trình chất lượng cao, tiên tiến, hội nhập quốc tế tại TP là nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo thực hiện ngoài giờ chính khoá trong kế hoạch 2 buổi/ngày để hỗ trợ học sinh học tập, tự học, học theo hướng dẫn của giáo viên.

Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế phải được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức 1 và được kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 trở lên theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT.

Trước năm học 2023-2024, mức học phí ở trường tiên tiến không quá 1,5 triệu đồng/học sinh/tháng.

Từ năm học 2023-2024 đến nay, mức học phí ở trường tiên tiến không quá 1.725.000 đồng/học sinh/tháng theo quyết định của HĐND TP.HCM.

Ở trường tiên tiến, số học sinh trong mỗi lớp không quá 35 em và 100% học sinh được học 2 buổi/ngày.

Các trường tổ chức dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam hoặc tổ chức dạy tăng cường tiếng Anh với các tài liệu Toán và Khoa học theo chuẩn quốc tế;

Tổ chức dạy Tin học theo các chuẩn quốc tế; các các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học, kiểm tra - đánh giá, ứng dụng e-lerning;

100% tiết học ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp giáo dục hiện đại. 100 % học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm, ngoại khoá phù hợp; có ít nhất 95% học sinh thường xuyên tham gia hoạt động thể dục thể thao ngoại khoá, trong đó 100% đạt tiêu chuẩn đánh giá xếp loại thể lực theo độ tuổi; 100% được phổ cập bơi an toàn và phòng chống đuối nước;

Trường có ít nhất 3 câu lạc bộ thể dục thể thao, 1 câu lạc bộ nghệ thuật được tổ chức cho học sinh tham gia sinh hoạt hàng tuần..

(Quyết định số 07/2022)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm