Gánh hậu quả nếu nhận vốn dễ dãi từ Trung Quốc

Ngày 29-11, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức hội thảo “Đánh giá về tác động của vốn vay Trung Quốc (TQ)”.

Gánh nặng nợ nần lớn hơn

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định khi vay vốn TQ thì gánh nặng nợ nần có khi sẽ lớn hơn cả khoản đã vay.

Dẫn ví dụ công trình đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội, bà Phạm Chi Lan nói: “Vốn vay lúc đầu là 300 triệu USD, rồi lại đội vốn thêm. Vừa rồi chúng ta phải ký vay thêm 250 triệu USD nữa. Tổng cộng là 900 triệu USD, tăng gấp ba lần vốn ban đầu mà vẫn chưa xong”.

Nhắc tới ý định vay 7.000 tỉ đồng để làm cao tốc Quảng Ninh, bà Phạm Chi Lan nói với tư cách là người đóng thuế, bà phản đối ý định này. Bởi doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể lo được việc đó. “Cách tốt nhất là huy động vốn và để dành dự án như thế cho công ty trong nước làm” - bà Lan khuyến nghị.

TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế TQ thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cũng nhấn mạnh: “Nếu hy sinh để nhận những nguồn vốn dễ dàng từ TQ thì các quốc gia có thể sẽ lãnh những hậu quả lớn. Những hậu quả về môi trường như biển ô nhiễm chưa được giải quyết. Người ta chỉ biết đến việc làm sạch biển, bồi thường… nhưng chưa tính đến sinh kế lâu dài của người dân sống nhờ biển. Sự cố ô nhiễm biển do Formosa gây ra là ví dụ”.

Công trình đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội tăng gấp ba lần vốn so với ban đầu mà vẫn chưa xong. Ảnh: PHI HÙNG

Một đặc điểm khác của vốn vay từ TQ là “tiền đi tới đâu thì người đi tới đó”. Có những dự án TQ mang theo hàng chục ngàn lao động, điều này sẽ tạo áp lực xã hội và kể cả xung đột văn hóa đối với người bản địa.

“Hàng ngàn người, thậm chí hàng chục ngàn người TQ đi theo dự án có vốn vay của TQ. Vì thế số việc làm mà các dự án của TQ tạo ra cho người bản địa không lớn. Đi Kỳ Anh ở Hà Tĩnh tôi thấy lao động TQ rất nhiều, sống thành từng cụm, rồi lấy người bản địa…” - TS Thành nói.

Phải thận trọng

Bà Phạm Chi Lan cho rằng nguồn vốn của TQ nhiều khi không minh bạch, không gắn với trách nhiệm giải trình, không khuyến khích nâng cao năng lực quản trị các quốc gia. “Trúng dự án là họ làm hết. Họ mang công nhân, lao động, thiết bị, công nghệ… vào. Chỉ một số ít công đoạn họ yêu cầu trong nước cùng làm” - bà Lan nêu thực tế.

Điều này, theo bà Lan, khác với Úc khi giúp Việt Nam xây dựng cầu Mỹ Thuận. Khi đó người Úc đòi hỏi Việt Nam phải có một đội ngũ làm việc thường xuyên để nâng cao trình độ, thói quen tiết kiệm. Khi làm xong cầu Mỹ Thuận, Úc gần như chuyển giao cả công nghệ xây dựng cầu dây văng qua sông cho Việt Nam. Đó là bài học lớn ta học hỏi được từ Úc, còn khi doanh nghiệp TQ làm thì ta không học hỏi được gì nhiều.

TS Phạm Sỹ Thành cũng nhìn nhận rằng ngay cả những dự án ODA của Nhật Bản cũng xảy ra tham nhũng, hối lộ ở nước ngoài. Nhưng Nhật Bản xử lý rất nghiêm các cá nhân, tổ chức đưa hối lộ để trúng thầu các dự án. Điều này có tác dụng răn đe rất lớn với cả những nhà cung cấp vốn của Nhật Bản và những quốc gia nhận vay tài chính từ Nhật Bản.

“Chúng ta đều biết Nhật Bản thậm chí đưa ra những chứng cứ về hối lộ, tham nhũng và tuyên bố nếu không xử lý nghiêm thì sẽ cắt ODA. Với tuyên bố mạnh mẽ này đã góp phần làm cho một số vụ tham nhũng, hối lộ ở các dự án vốn ODA Nhật Bản được đưa ra xét xử” - ông Thành dẫn chứng.

Cũng theo TS Thành, các quốc gia đang phát triển sẽ khó giảm được tham nhũng nếu không có ràng buộc từ bên cung cấp vốn. Trong khi đó vốn dễ dãi từ TQ có thể khiến xảy ra tham nhũng, dẫn đến hiệu quả dự án thấp và phát sinh lãng phí .

TS Lưu Bích Hồ đồng tình và nói: “Bất cứ nguồn hỗ trợ tài chính nào của một quốc gia, một tổ chức quốc tế đều kèm theo mục đích chính trị, kinh tế và thường có cả xấu và tốt. Đối với nguồn vốn của TQ thì phải rất cẩn trọng và cân nhắc đến những tác động kinh tế kéo theo”.

Vốn vay của Trung Quốc không rẻ

Theo TS Phạm Sỹ Thành, sự xuất hiện của luồng tín dụng phát triển TQ đem lại một số cơ hội cho các quốc gia đang phát triển. Chẳng hạn như thu hẹp mức chênh lệch giữa nhu cầu đầu tư với khả năng đáp ứng vốn của các định chế tài chính quốc tế khác; tạo ra sự liên kết địa-kinh tế ngày càng mật thiết, qua đó giảm chi phí thương mại, tạo điều kiện hình thành mạng lưới sản xuất và logistics trên quy mô rộng hơn.

Tuy nhiên, các điều kiện tiếp cận vốn của TQ thường đơn giản hơn so với các định chế quốc tế hiện thời nhưng điều này có thể nuôi dưỡng tham nhũng và làm đầu tư kém hiệu quả. Trong đó có một số quy định quan trọng bị thiếu là vấn đề giám sát và đánh giá tác động môi trường; giảm thiểu thiệt hại môi trường…

Vốn vay từ TQ không rẻ nếu tính cả về lãi suất và tỉ giá. Do đó ngay cả khi TQ sẵn sàng cung cấp các khoản cho vay với lãi suất gần như bằng 0 thì các điều khoản về việc chỉ định nhà thầu TQ, sử dụng lao động TQ… cho cả các hạng mục đơn giản nhất cũng đã hạn chế lợi ích tiềm tàng cho các công ty bản địa. Các công ty TQ tham gia những dự án ODA của quốc gia này thường tính đội chi phí cho các hạng mục công việc. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu an ninh khu vực (CRSS) thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) năm 2016 cũng thừa nhận rằng “rất nhiều dự án OBOR (các dự án của TQ-PV) có thể gây ra hàng loạt vấn đề an ninh môi trường”.

Thiếu minh bạch

TS Trần Toàn Thắng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng nguồn vốn ODA từ TQ cho Việt Nam vay không nhiều nhưng lại rất khó tìm kiếm thông tin. Thêm nữa, nguồn vay này chủ yếu do các doanh nghiệp nhà nước vay nên tình hình lại càng xấu thêm.

“Có lẽ vấn đề nằm ở chỗ chúng ta triển khai, giám sát các khoản vay như thế nào và nhìn nhận câu chuyện ODA của TQ một cách khách quan hơn” - TS Thắng nói.

So sánh xe máy của TQ và Nhật Bản cũng như công trình cầu Nhật Tân với các dự án khác của TQ, chúng ta có thể nhận ra đâu là nguồn vốn cần tìm đến.

TS PHẠM SỸ THÀNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm