Ngày 19-12, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) và Tập đoàn Thành Công đã có văn bản gửi Thủ tướng liên quan đến Nghị định số 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô (thực hiện từ ngày 1-1-2018).
Theo đó, ông Nguyễn Hùng Minh, Tổng Giám đốc Thaco, cho biết Nghị định 116 ra đời nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Đầu tư về ngành nghề kinh doanh có điều kiện gồm “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô” và “bảo hành, bảo dưỡng ô tô”.
Trong đó, Nghị định 116 hướng đến mục đích đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và an toàn môi trường; bảo đảm nghĩa vụ, trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc bảo hành, triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật và thu hồi sản phẩm thải bỏ. Thiết lập cơ chế hợp lý và có hiệu quả để hạn chế tối đa các sản phẩm kém chất lượng tham gia lưu thông trên thị trường; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế các hành vi gian lận thương mại, tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, lành mạnh.
Đặc biệt lãnh đạo Thaco cho rằng Nghị định 116 sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dài hạn, tạo ra sản lượng đủ lớn nhằm tăng dung lượng thị trường cho ngành công nghiệp ô tô nội địa, hướng tới mục tiêu nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng sản xuất trong nước đối với ô tô phù hợp với mục tiêu tỉ lệ nội địa hóa đặt ra trong chiến lược, quy hoạch ngành công nghiệp ô tô.
Nghị định số 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô đang gây ra tranh luận trong các DN ô tô.
Tương tự, ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Thành Công, cho rằng việc Nghị định 116 yêu cầu các nhà nhập khẩu ô tô cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu bởi các tổ chức có thẩm quyền nước ngoài là yêu cầu tối thiểu để chứng minh chất lượng các mẫu xe sản xuất, lắp ráp hay nhập khẩu có đạt được theo chứng nhận của các cơ quan có thẩm quyền hay không.
Do đó, theo lãnh đạo Thành Công, việc yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu, phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của DN sản xuất, lắp ráp nước ngoài cho từng ô tô,… là những giấy tờ căn bản, chứng minh rõ nguồn gốc minh bạch của chiếc xe cũng như chất lượng đã được kiểm định.
Đặc biệt theo ông Đức, các quy định yêu cầu về giấy tờ chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt DN sản xuất, lắp ráp nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi xe tại Việt Nam là những yêu cầu tối thiểu để khách hàng có thể yên tâm với dịch vụ bán hàng và sau bán hàng của các nhà phân phối xe nhập khẩu.
"Nếu không có ràng buộc, khi xảy ra các vấn đề liên quan đến lỗi kỹ thuật từ nhà sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài, DN nhập khẩu có thể không cam kết thực hiện trách nhiệm triệu hồi của mình một cách trọn vẹn, ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng" - ông Đức chia sẻ.
Tuy nhiên, sau khi Nghị định 116 ban hành, một số ý kiến cho rằng nghị định này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, người tiêu dùng bị ảnh hưởng. Theo đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng đã có kiến nghị gửi Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan về Nghị định 116. Đặc biệt, VAMA kiến nghị hoãn việc thi hành nhập khẩu ô tô ít nhất trong vòng sáu tháng từ 1-1-2018.
Ông Toru Kinoshita, Chủ tịch VAMA, cho rằng để được phép nhập khẩu ô tô theo yêu cầu của Nghị định 116, mỗi doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cần phải chuẩn bị và nộp các giấy chứng nhận của nhà sản xuất nước ngoài cho việc triệu hồi, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp phụ tùng chính hãng cũng như giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp.
VAMA kiến nghị sửa đổi yêu cầu nộp giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài đối với nhà nhập khẩu ô tô. VAMA mong muốn Chính phủ chấp nhận giấy chứng nhận của nhà sản xuất nước ngoài cho việc triệu hồi ô tô như một phương án thay thế.
Lý do hầu hết thành viên VAMA không thể tìm được giấy chứng nhận kiểu loại nào nước ngoài nào phù hợp với các thông số kỹ thuật của ô tô nhập khẩu vào Việt Nam.