Đó là ý kiến của một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo về dự thảo thông tư quy định chi tiết một số điều của nghị định Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến.
Dự thảo quy định việc chỉ định thương nhân đầu mối giao dịch hợp đồng tập trung (hợp đồng tập trung phần lớn ký kết theo thỏa thuận cấp cao giữa chính phủ hai nước có nhu cầu xuất và nhập khẩu hay còn gọi là hợp đồng cấp chính phủ...) căn cứ vào các tiêu chí quy định tại nghị định của Chính phủ.
Trường hợp từ hai thương nhân trở lên được chỉ định làm đầu mối tại một thị trường có hợp đồng tập trung thì thực hiện cơ chế đầu mối luân phiên.
Các thương nhân khác có trách nhiệm cùng thương nhân đầu mối giao dịch và Hiệp hội Lương thực Việt Nam xây dựng phương án dự thầu; tham gia chuẩn bị nguồn hàng để thực hiện hợp đồng; cùng thương nhân đầu mối giao dịch thực hiện giao hàng theo phương án tổ chức thực hiện hợp đồng đã được thông qua theo quy định.
Theo các DN, dự thảo thông tư quy định về kinh doanh xuất khẩu đối với thị trường tập trung vẫn chưa thay đổi.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam không được phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu ủy thác cho các thương nhân không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo được cấp theo quy định.
Bình luận về nội dung này, các DN cho rằng quy định về xuất khẩu gạo thị trường tập trung vẫn không thay đổi. Việc chỉ định DN đầu mối giao dịch vẫn nằm trong tay hai “ông lớn” là Vinafood 1 và Vinafood 2, ngoài ra Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vẫn nắm quyền phân bổ lượng gạo xuất khẩu hợp đồng tập trung.
Theo các DN, nhiều năm qua các hợp đồng tập trung xuất khẩu gạo sang các nước như Philippines, Indonesia, Malaysia… đều là loại gạo cấp thấp, giá ký cũng thấp, DN được phân bổ không có lợi nhuận. Nhiều DN đề nghị các DN được tự do ký hợp đồng thương mại với các thị trường được xem là tập trung.
Đại diện một công ty xuất khẩu gạo cũng cho rằng khi có hợp đồng tập trung với càng nhiều quốc gia khác nhau thì cũng đồng nghĩa các DN xuất khẩu gạo theo diện hợp đồng thương mại lại càng khó tìm kiếm thị trường cho mình. Điều này là không tốt cho hạt gạo Việt.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng để trở thành đầu mối giao dịch tập trung; đấu thầu quyền đàm phán và điều phối các giao dịch hợp đồng tập trung khi có nhiều DN đạt tiêu chí đặt ra.
Nhiều ý kiến khác tán đồng quan điểm trên và đề nghị nên thực hiện các hợp đồng tập trung theo hướng thông qua cơ chế đấu thầu công khai. Bởi nếu duy trì cơ chế như hiện nay sẽ tiếp tục đẩy các công ty xuất khẩu gạo vào thế bị động và chịu thiệt hại lớn vì bị hạn chế cơ hội kinh doanh, xuất khẩu.