Ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục giàu nhất sàn chứng khoán

Tính theo lượng cổ phiếu được sở hữu trực tiếp bởi cá nhân, kết thúc phiên giao dịch ngày 29-12-2017, ông Trịnh Văn Quyết sở hữu quy mô tài sản vốn hóa đạt 58.851 tỷ đồng, tăng 25.045 tỷ đồng so với năm 2016, chính thức giữ vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2017.

Ông Quyết hiện đang sở hữu 318.514.630 cổ phiếu ROS, 135.187.150 cổ phiếu FLC, 2.630.000 cổ phiếu ART. Trong năm 2017, việc mã cổ phiếu ROS giữ xu thế tăng đã mang lại lợi nhuận cao cho ông Quyết và nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư nước ngoài như V.N.M ETF, FTSE ETF, iShares MSCI Frontier 100 ETF...

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC (ngoài cùng bên trái) giữ vị trí số 1 trong danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2017

Hoàn toàn không phải một doanh nghiệp xây dựng đơn thuần, mà chính xác là một doanh nghiệp điển hình của xu thế kết hợp giữa vai trò: là chủ đầu tư, vừa là nhà thầu xây dựng tại Việt Nam, FLC Faros hiện sở hữu tổng giá trị các hợp đồng và dự án triển khai là 20.114 tỉ đồng, lớn bậc nhất cả nước. Với kế hoạch doanh thu khởi sắc, cổ phiếu ROS đã giữ xu hướng leo dốc và lập đỉnh 214.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 11-2017. 

Theo xếp hạng của Vietnam Report, FLC Faros xác lập vị trí trong top 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2017 (Profit500) và top 500 doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam năm 2017 (VNR500). Đứng ở vị trí thứ hai về quy mô tài sản vốn hoá trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2017 là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, người đang nắm giữ cổ phiếu VIC, với tổng tài sản vốn hóa trực tiếp là 55.962 tỉ đồng.

Bên cạnh các lĩnh vực chính như bất động sản, du lịch, bán lẻ, năm 2017 đánh dấu nhiều chuyển biến của Vingroup trên các lĩnh vực mới như: khởi công tổ hợp sản xuất ôtô VinFast tại Hải Phòng, thương vụ chào bán cổ phần với giá trị kỷ lục 740 triệu USD của Vincom Retail. Vừa qua, Vingroup cũng đã vượt Trường Hải để trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam theo bảng xếp hạng VNR500.

Ở vị trí thứ 3 là "đại gia" ngành thép Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, người đang sở hữu cổ phiếu HPG. Tổng tài sản vốn hoá của ông Long hiện đạt 17.875 tỉ đồng. Năm 2017, Hòa Phát đã khởi công khu liên hợp gang thép Hòa Phát - Dung Quất với tổng mức đầu tư 52.000 tỷ đồng, củng cố vị thế là một trong những doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.

Chiếm vị trí thứ 4 là nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc VietjetAir - người đang sở hữu các cổ phiếu VJC và HDB, cũng gặt hái nhiều thành công. Tổng tài sản vốn hoá của bà Thảo chỉ kém ông Trần Đình Long hơn 200 tỉ đồng, đạt 17.669 tỉ đồng. Với kế hoạch đưa HDBank lên sàn vào đầu năm 2018, có thể thứ hạng của bà Thảo sẽ thay đổi.

Vị trí thứ 5 thuộc về phu nhân của ông Phạm Nhật Vượng, bà Phạm Thu Hương. Với việc sở hữu các cổ phiếu VIC và VPL, tổng tài sản vốn hóa của bà Hương đạt 9.650 tỉ đồng. Vị trí thứ 6 là ông Bùi Thành Nhơn, tuột 2 bậc so với cuối năm 2016, với tài sản đạt 9.486 tỷ đồng vốn hóa.

Vị trí thứ 7 và thứ 8 về tài sản vốn hóa đều thuộc về hai nữ tỷ phú là bà Phạm Thúy Hằng (nắm giữ cổ phiếu VIC) và bà Vũ Thị Hiền (nắm giữ cổ phiếu HPG). Vị trí thứ 9, doanh nhân bất động sản Nguyễn Văn Đạt, người sở hữu cổ phiếu PDR, đã có một năm khá thành công khi đưa tổng tài sản vốn hóa của ông lên 4.846 tỉ đồng. Vị trí thứ 10 thuộc về bà Lê Thị Ngọc Diệp là phu nhân ông Trịnh Văn Quyết, với tài sản 3.670 tỉ  đồng vốn hóa.

Như vậy, tính tổng tài sản, riêng top 10 này đã nắm giữ tới 189.636 tỉ đồng vốn hóa, tương đương 50% giá trị của nhóm 1.000 người giàu nhất sàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm