Trồng mía nhiều nhưng giá đường cao ngất

Những năm gần đây, bánh kẹo là ngành có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định tại Việt Nam. Thị trường thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) bánh kẹo nước ngoài nhảy vào. Các DN bánh kẹo cho biết giá đường trong nước cao hơn giá thế giới là yếu tố ngăn cản sự cạnh tranh của DN Việt.

Trồng mía nhỏ lẻ, thiếu hiệu quả

. Phóng viên: Một số DN thực phẩm bánh kẹo cho biết giá đường Việt Nam 12.000 đồng/kg trong khi giá thế giới 11.000 đồng/kg, vì sao có sự chênh lệch như vậy thưa ông?

+ Ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam: Nếu nói giá đường Việt Nam cao hơn giá đường thế giới là không đúng. Các nước trên thế giới, kể cả các nước xuất khẩu đường lớn nhất nhì như Brazil, Thái Lan giá đường nội địa bao giờ cũng cao hơn giá thị trường quốc tế. Cho nên đem so sánh giá nội địa và giá thương mại thế giới là không hợp lý. Ví dụ như gạo Việt Nam xuất khẩu có chất lượng giá trung bình khoảng 400 USD/tấn, trong khi giá thị trường nội địa khoảng 700 USD/tấn.

Giá đường trong nước cao ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của DN bánh kẹo Việt. Ảnh: TÚ UYÊN

. Thưa ông, do đâu giá thành đường ở Việt Nam cao như vậy?

+ Nguyên nhân là do giá mía của Việt Nam khoảng 45-50 USD/tấn, giá mía một số nước và Thái Lan xấp xỉ 24-30 USD/tấn. Chất lượng mía của Việt Nam kém, năng suất mía trong nước thấp, chỉ đạt trung bình 64 tấn/ha, trong khi đó trên thế giới đạt 70-80 tấn/ha, nhiều nơi năng suất còn cao hơn. Bên cạnh đó để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân và duy trì vùng mía, các nhà máy ở Việt Nam vẫn phải mua mía giá cao để giữ vùng nguyên liệu.

. Như vậy vấn đề chính ở chỗ chất lượng cây mía, thưa ông?

+ Đất dành cho cây mía không hẳn tất cả là đất tốt, việc canh tác vẫn còn manh mún. Nếu như ở các nước, cánh đồng mía có thể lên hàng trăm hecta thì một nông hộ trồng mía ở Việt Nam chỉ sở hữu khoảng dưới 0,4 ha. Thêm nữa, đất trồng mía ở ĐBSCL sình lầy, ở miền bắc và miền Trung-Tây nguyên đồi dốc. Điều kiện canh tác như vậy khó có thể triển khai cơ giới hóa để nâng cao năng suất, chất lượng cây mía. Ngoài ra giao thông, thủy lợi, giống, kỹ thuật canh tác… chưa được áp dụng đúng mức.

Nên đấu thầu nhập đường trong hạn ngạch

. Nhu cầu sản xuất của ngành bánh kẹo vào khoảng 800.000 tấn/năm nhưng hạn ngạch nhập khẩu năm 2014 là 77.000 tấn, theo ông điều này có hợp lý?

+ Mức tiêu thụ đường của cả nước chỉ khoảng 1.300.000-1.400.000 tấn/năm (theo Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương), không tăng trong vài năm gần đây. Vậy riêng bánh kẹo mà tiêu thụ đến mức đó là không hợp lý.

. Ông đánh giá như thế nào về việc DN mong Nhà nước nhanh chóng giải tỏa giới hạn nhập khẩu đường?

+ Theo chính sách điều hành như Thái Lan, các DN nước ngoài sản xuất dùng đường làm nguyên liệu phải mua đường nội địa theo giá điều hành của Chính phủ. Nếu nhập đường ngoài hạn ngạch, Chính phủ không cấm nhưng phải chịu thuế cao. Còn nếu nhập từ AFTA mà trong hạn ngạch thì cũng phải chịu thuế 5% kể cả sau 2018 chứ không phải 0% như DN nghĩ.

Hiện nay, Hiệp hội Mía đường Việt Nam vẫn đang kiến nghị Bộ Công Thương và Chính phủ cho đấu thầu nhập khẩu đường trong hạn ngạch chứ không phải áp dụng cơ chế xin-cho mà Bộ Công Thương đang áp dụng. Điều này sẽ đem lại công bằng cho tất cả DN (hiện chỉ cho một số DN mà thôi) và còn giữ được giá đường trong nước như nhiều quốc gia khác đã làm.

. Như vậy không có giải pháp nào để mía đường Việt Nam cạnh tranh nổi với đường Thái Lan?

+ Chính phủ cũng như các bộ ngành cần quan tâm làm sao để đảm bảo người trồng mía có lãi dù bất kỳ tình huống nào xảy ra (như Thái Lan). Khi đó nông dân mới an tâm trồng mía, các công ty mía đường mới có thể an tâm đầu tư sản xuất đường với chất lượng cao, giá thành hạ. Chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ, nếu chưa có Luật Mía đường như Thái Lan thì chí ít cũng có một nghị định về mía đường để chi phối hoạt động của ngành mía đường một cách tích cực để đảm bảo cho sự phát triển ổn định và bền vững.

. Xin cảm ơn ông.

TÚ UYÊN

 

Khó cạnh tranh với đường lậu

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ở Thái Lan, ngành mía đường có một ủy ban mía đường quốc gia điều hành theo Luật Mía đường. Luật này quy định ba quota A, B và C, mỗi công ty mía đường của Thái Lan đều phải có nghĩa vụ thực hiện quota A cung cấp cho nhu cầu nội địa (với giá nội địa luôn cao hơn giá xuất khẩu và giá thương mại thế giới). Quota B dành cho các hợp đồng dài hạn cung cấp quốc tế mà Thái lan đã ký kết. Giá mía và giá đường trong nước được ủy ban mía đường quốc gia định giá để đảm bảo người nông dân có lãi, yên tâm trồng mía. Quota C là quota thặng dư, các công ty đường không được tiêu thụ trong nước mà được tự do xuất khẩu. Với quota C, giá bán chỉ cần trên giá thành thì họ cũng có lãi. Bản thân quota C đã có ưu thế về giá mà lại nhập lậu vào Việt Nam nên đường Việt Nam dù có hạ giá đến mức nào thì đường lậu Thái Lan cũng luôn thấp hơn một giá để chiếm lĩnh thị trường.

Các nhà sản xuất bánh kẹo trong nước muốn cạnh tranh được với bánh kẹo ngoại thì cũng cần phải đoàn kết, liên minh với nhau hoặc mở rộng liên doanh. Hầu hết các ngành nghề tại Việt Nam đều có hiệp hội nhưng riêng bánh kẹo thì chưa có hiệp hội để tham vấn chính sách phát triển cho ngành, cho Chính phủ.

Ông Nguyễn Minh Đức,Giám đốc marketing Công ty
Bánh kẹo Hư
̃u Nghị

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm