Dù bức tranh xuất, nhập khẩu năm nay có vẻ “hụt hơi” nhưng nhìn chung vẫn “sáng sủa và hoành tráng” so với dự báo. Trong đó, đóng góp của nông dân là rất lớn, thậm chí có ý nghĩa quyết định đến cán cân thương mại của đất nước.
Nông sản rẻ, giá thuốc men “tăng bù”
Các số liệu thống kê vừa được công bố cho thấy với kim ngạch hơn 132 tỉ USD, xuất khẩu năm 2013 đã hoàn thành vượt kế hoạch gần 6,2 tỉ USD, tăng 15,4%. Trong khi đó, nhập khẩu năm 2013 chiếm hơn 131 tỉ USD, thấp hơn gần 4,9 tỉ USD so với dự kiến. Như vậy, năm 2013 là năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế đã chuyển sang xuất siêu, dù kim ngạch và tỉ lệ xuất siêu vẫn còn rất khiêm tốn.
Thế nhưng theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu bảy mặt hàng nông sản năm 2013 chỉ đạt hơn 12 tỉ USD, giảm 2 tỉ USD so với năm 2012. Tuy nhiên, nếu quy về giá xuất khẩu năm 2011 thì năm 2013 xuất khẩu nông nghiệp đã đạt 14,9 tỉ USD. Như vậy, khoản thiệt về giá mà nông dân phải gánh chịu năm 2013 lên tới gần 2,8 tỉ USD, bằng 23,3% kim ngạch xuất khẩu nông sản thực tế.
Nông dân đã phải bán rất rẻ những sản phẩm của mình, nhưng lại phải mua đắt các hàng công nghiệp và các dịch vụ thiết yếu. Ảnh: HTD
Kiềm chế lạm phát cũng là thành tựu nổi bật không kém trong năm 2013 và nông dân cũng là những người đi đầu trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, họ lại rơi vào tình thế buộc phải bán rẻ và mua đắt. Chỉ số giá năm 2013 chỉ tăng trung bình khoảng 6%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Nghĩa là, người dân không phải chịu mức lạm phát cao.
Tuy nhiên, dù là những người đi tiên phong trong chống lạm phát nhưng nông dân lại không được hưởng lợi mà ngược lại phải chịu cảnh thua thiệt. Bởi lẽ, để có được kết quả lạm phát thấp thì giá lương thực, thực phẩm trong năm 2013 chỉ tăng gần 1,8% (riêng giá lương thực giảm hơn 2%). Trong khi đó, giá của tất cả nhóm hàng công nghiệp và dịch vụ còn lại tăng 9,3%. Đáng chú ý là giá thuốc và dịch vụ y tế tăng phi mã, đạt mức 45,6%, giá dịch vụ giáo dục tăng 14,2%. Rõ ràng, nông dân đã phải bán rất rẻ những sản phẩm của mình nhưng lại phải mua đắt các hàng công nghiệp, đặc biệt là các dịch vụ thiết yếu.
Càng làm thu nhập càng thấp
Các số liệu thống kê cho thấy GDP của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2013 theo giá thực tế đạt 659.000 tỉ đồng, chỉ tăng vỏn vẹn 3,2%, đóng góp vào “rổ GDP” chung chỉ còn 14%. Chính vì vậy, tỉ lệ đóng góp vào nhịp độ tăng trưởng kinh tế (mức tăng GDP tính theo giá so sánh) của khu vực nông nghiệp giảm từ 9,5% năm 2012 xuống chỉ còn 8,9% trong năm 2013, trong khi đóng góp của hai khu vực công nghiệp, dịch vụ đều tăng trên 90%. Tuy nhiên, thực tế này không phản ánh đúng nỗ lực gia tăng sản xuất của nông dân.
“Bí mật” nằm ở chỗ, sản phẩm của nông dân đưa ra thị trường vẫn bị “sốt lạnh” giá cả, làm “co lại” trong suốt hai năm qua. Các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê cho thấy chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2013 vẫn rơi tự do 23,6%. Thế nên thu nhập của nông dân cũng “rơi tự do” tương ứng.
Khi phần đông người dân Việt Nam còn làm nông thì thực trạng nêu trên cũng là lý do quan trọng nhất khiến sức mua thị trường giảm mạnh. Nhịp độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ 24% năm 2011 giảm xuống chỉ còn 12,6% năm 2013, thấp kỷ lục trong 12 năm trở lại đây. Sức mua yếu, kinh tế vực dậy cũng khó khăn.
Tóm lại, trong “cơn bão” suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài, nông dân chính là bộ phận dân cư đã bị tác động mạnh mẽ nhất. Tác động này cộng hưởng với những yếu kém bên trong khiến cho bộ phận dân cư này đang vô cùng khó khăn. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước trong những năm tới.
“Việc đạt được thành tựu lớn nhất năm 2013 là đưa nền kinh tế “thoát đáy”. Tuy nhiên, dường như nông dân bị xem là những người ngoài cuộc trong thành tích này, thế nên họ không được hưởng lợi dù đã nỗ lực vượt bậc”. |
NGUYỄN ĐÌNH BÍCH, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương)