Dân kiện, tòa phải thụ lý

Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM vừa tổ chức hội thảo góp ý dự án BLDS (sửa đổi) theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH. Theo UBTVQH, BLDS hiện hành chưa quy định cụ thể trách nhiệm của tòa, cơ quan có thẩm quyền khác trong việc thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có quy định của pháp luật về vụ việc dân sự đó. Dự thảo BLDS (sửa đổi) đã bổ sung quy định tòa không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Trong trường hợp này, tòa căn cứ vào tập quán, nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng để xem xét, giải quyết.

Không để dân phải “tự xử”

UBTVQH đánh giá việc cho phép áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng trong BLDS là cần thiết. Tuy nhiên, về cơ chế áp dụng quy định này thì còn có ý kiến khác nhau. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng giao luôn quyền chủ động vận dụng cho các thẩm phán. Luồng ý kiến thứ hai lại nói phải có nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn.

Tại hội thảo, bà Phan Thị Bình Thuận (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) băn khoăn: Nếu pháp luật chưa có quy định mà vẫn trao quyền cho thẩm phán áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, lẽ công bằng để xét xử là chưa phù hợp. Trình độ và nhận thức của các thẩm phán khác nhau, nếu không cẩn thận thì trật tự pháp luật sẽ bị phá vỡ. Ngoài ra chúng ta có nhiều tập quán nhưng chưa được thống kê, hệ thống lại một cách rõ ràng, khi ấy vô tình lại trao cho thẩm phán “quyền lập pháp” thông qua các án lệ.

 
Đương sự đang tra cứu thông tin lịch xét xử tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

Trong khi đó, Thẩm phán Lê Thanh Phong (TAND quận 7, TP.HCM) nhận xét bổ sung như trên là hợp lý. Thực tiễn xét xử cho thấy có những vấn đề pháp luật chưa quy định nhưng lâu nay các thẩm phán vẫn áp dụng tập quán, nguyên tắc tương tự để giải quyết án mà không phát sinh vấn đề gì. Nay dự thảo quy định như vậy là rất tốt vì không chỉ tập quán trong nước mà có nhiều tập quán quốc tế chúng ta cũng cần tìm hiểu, áp dụng.

Đồng tình nhưng Thẩm phán Quách Hữu Thái (Tòa Dân sự TAND TP.HCM) cho rằng cần có giới hạn theo hướng không phải người dân kiện bất cứ việc gì tòa cũng phải thụ lý: “Chẳng hạn người dân yêu cầu tòa giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, quốc phòng thì sao? Chúng ta phải loại trừ một số lĩnh vực”.

Theo TS Lê Minh Hùng (Trưởng bộ môn Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM), nếu không đưa quy định trên vào BLDS thì “sẽ không bảo đảm quyền lợi của người dân, tòa không xử chẳng lẽ để dân tự xử”. Tuy nhiên, TS Hùng góp ý: Không thể giao cho thẩm phán tự áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, lẽ công bằng vì nhiều khi ngay từ đầu, việc nhận diện đó có phải là quan hệ dân sự hay không để thụ lý hay không cũng đã khó khăn. Mặt khác, nếu dựa vào nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì lại rơi vào vòng luẩn quẩn là mỗi khi gặp vấn đề mới lại phải chờ hướng dẫn, giống như hiện nay là “luật chờ nghị quyết, thông tư”. Từ đó TS Hùng đề xuất: Vụ việc phù hợp với cấp tòa nào thì cấp đó có quyền áp dụng. Chẳng hạn có vụ tòa cấp huyện áp dụng tương tự pháp luật nhưng có vụ phải đưa lên tòa cấp tỉnh.

Cho chuyển giới có kiểm soát

Theo ông Huỳnh Thành Lập (Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM), chuyển giới là một trong những vấn đề lớn còn nhiều tranh cãi nhưng quan điểm của UBTVQH là cần phải quy định trong BLDS vì liên quan đến quyền con người. Tuy nhiên, cần phải tính toán tới các vấn đề xã hội phát sinh như y tế, bảo hiểm, hôn nhân-gia đình…

Theo một đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, khoản 2 Điều 36 dự thảo quy định Nhà nước không công nhận việc chuyển giới nhưng cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định là đã có sự mâu thuẫn nhau. Đây là quyền con người cần phải được tôn trọng và bảo vệ, do vậy dự thảo cần quy định cho phép chuyển giới, còn cụ thể như thế nào thì giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

“Nếu xét ở góc độ quyền nhân thân và nhân quyền thì tôi hoàn toàn ủng hộ việc có quy định cho phép chuyển giới” - TS Lê Minh Hùng nói. Tuy nhiên, theo ông, chỉ nên cho phép chuyển giới khi có cơ quan kiểm soát và có điều kiện phù hợp. Chẳng hạn trước khi chuyển giới cần có đơn xin xem xét về mục đích, nếu chuyển giới không nhằm trốn nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ dân sự, trốn trách nhiệm pháp lý như vấn đề lý lịch tư pháp, tội phạm… thì nên cho phép. Hoặc phải cấm chuyển giới ở một số lĩnh vực, hoạt động như nhằm thi đấu thể thao để tránh việc tiêu cực trong xã hội. Còn nếu lỡ đã chuyển đổi rồi thì nên cho họ đăng ký tập trung ở một cơ quan, sau đó công nhận các quyền nhân thân khác.

Pháp nhân công và pháp nhân tư?

Điều 74 dự thảo phân loại pháp nhân là pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại. Theo tôi, hai loại này không có nhiều ý nghĩa trong thực tiễn giao dịch dân sự cũng như trong xét xử. Do đó cần phân thành hai loại pháp nhân là pháp nhân công và pháp nhân tư, từ đó tạo cơ sở pháp lý giúp phân định, áp dụng pháp luật khi xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan đến các chế định, quy định về lợi ích công, tài sản nhà nước... trong các đạo luật khác. Nó cũng giúp người áp dụng pháp luật phân biệt rõ thế nào là lợi ích công và tư…

Thẩm phán LẠI VĂN TRÌNH,
Phó Chánh tòa Kinh tế TAND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều