Sáng 10-6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) dành thời gian thảo luận tại tổ về dự thảo BLDS (sửa đổi), một đạo luật hết sức quan trọng, là “gốc” của nhiều luật chuyên ngành khác. Tất cả điểm mới đáng chú ý của dự thảo đều được các ĐB phân tích, mổ xẻ, tuy nhiên ý kiến khá khác biệt...
Tòa từ chối thụ lý là thiếu trách nhiệm?
Dự thảo có một quy định mới rất đáng chú ý: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch bình luận:“Ở những nước người ta nhân danh công lý để xét xử thì chuyện đó khỏi bàn. Nhưng ở ta là nhân danh nhà nước, thành ra ông tòa án cứ cái nào Nhà nước không quy định thì từ chối. Bây giờ chúng ta dù nhân danh cái gì thì khi người dân có yêu cầu hợp pháp, cần tới Nhà nước đứng ra phân xử cho họ, Nhà nước không có quyền từ chối”.
“Chẳng lẽ bây giờ cứ nói không có luật, các anh phải tự giải quyết với nhau. Nếu nói như vậy thì xin lỗi, tôi cho rằng đó là nhà nước thiếu trách nhiệm” - ông Lịch thẳng thắn.
Cũng theo vị đại biểu này, nếu không có luật, tòa phải căn cứ vào lẽ phải và công lý để ra phán quyết.
Trái với ĐB Trần Du Lịch, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương lại băn khoăn với câu hỏi: Không có pháp luật quy định thì tòa có xử được không? “Bản thân có pháp luật rồi mà bây giờ xử còn sai, huống hồ là vận dụng tình cảm, lương tri để xử thì tôi e rằng có nguy cơ. Đành rằng khi người dân chịu thiệt thòi thì trông chờ vào sự phán xét của công quyền. Thế nhưng phán xét của công quyền ấy là anh phải dựa vào nền tảng pháp luật nào để thể hiện ý chí chung, giữ được trật tự. Tôi cho rằng cần phải hết sức cân nhắc điều này” - ông Đương phân tích.
ĐB này sau đó dẫn chứng: “Bản thân chúng tôi hiện chưa hình dung ra việc có người họ bảo tôi bán mặt trăng, mặt trời vì chưa thấy sở hữu của ai cả. Bây giờ bảo kiện, kiện bà này sao lại đi bán mặt trăng, bán mặt trời. Có nghĩa là những cái gì còn rất trừu tượng và đưa vào tình thế rất khó xử thì cần hết sức cân nhắc. Nếu không sau này đất nước ta hội nhập sâu rộng có nhiều vấn đề luật trong nước chưa tương thích với luật quốc tế mà có những việc cần phải bảo vệ quyền lợi thì vấn đề này xử lý thế nào?” - ĐB Đương nói.
Doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) lại cho rằng Luật Tổ chức tòa án quy định thẩm phán chỉ tuân theo quy định của pháp luật nhưng trong trường hợp này lại tuân theo “tập quán, án lệ và lẽ công bằng”. Bà Hường cho rằng luật cần quy định rõ lẽ công bằng này ai là người xác định.
“Cứ cho người ta chuyển giới, vì nhân đạo”
Một vấn đề khác thu hút sự quan tâm của nhiều ĐB là việc Nhà nước có thừa nhận việc chuyển đổi giới tính hay không. Dự thảo đang quy định theo hướng: “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác...”.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM Trần Thanh Hải cho rằng: “Nếu luật đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới”. Theo ĐB Hải, còn nếu luật thừa nhận thì cần có sự chuẩn bị để thực hiện, cụ thể như việc hoàn thiện các cơ sở y tế trong nước để cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính, không để tình trạng chạy sang Thái Lan chuyển đổi như hiện nay.
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn (Hà Nội) nói những người muốn chuyển đổi giới tính là những người không hoàn hảo, khi sinh ra đã bị thiệt thòi. “Cứ cho người ta chuyển giới, vì nhân đạo. Họ đã bị thiệt thòi rồi, khi họ có yêu cầu thì cho chuyển đổi” - ông Sơn đề nghị.
Giám đốc BV Đa khoa Xanh Pôn Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) cho rằng “nhu cầu chuyển giới là có thật trong xã hội”. Vì Việt Nam chưa cho phép làm điều này nên nhiều người phải ra nước ngoài chuyển giới. Khi trở về, không được thừa nhận về mặt pháp lý, họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Từ thực tế này, bà Nhi đồng tình với đề xuất của dự thảo, trước mắt chưa công nhận việc này nhưng “chấp nhận cho người chuyển giới từ nước ngoài trở về”. “Các trường hợp cá nhân đã chuyển giới được đảm bảo quyền nhân thân, được yêu cầu thay đổi hộ tịch…” - bà Nhi đề nghị.
Vấn đề chuyển giới: Nên quy định mở Về vấn đề Nhà nước có thừa nhận việc chuyển đổi giới tính hay không, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói Chính phủ “chưa dám nói ủng hộ” nên đã xây dựng hai phương án. Trong đó, phương án một là “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”. Nói cách khác là quy định theo hướng mở, để tôn trọng cuộc sống riêng tư của công dân. Tới năm 2020-2025, lúc đó tùy tình hình có thể làm luật riêng. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH không đồng tình, muốn luật phải quy định rõ là “không công nhận”. “Thực tế đã có những trường hợp chuyển giới rồi. Một giáo viên ở Bình Phước chuyển từ nam thành nữ. Cô lên ủy ban huyện, được đồng ý thay đổi hộ tịch từ “Văn” thành “Thị”, về rất vui vẻ. Nhưng rồi báo chí viết, vậy là huyện rút lại, cô giáo lại thành thầy giáo” - ông Cường kể lại câu chuyện và đề xuất nên quy định theo hướng mở để khi nào đó xây dựng một luật riêng về vấn đề này. |