Sáng 10-6, tại tổ TP.HCM, thảo luận về Luật Dân sự sửa đổi, ĐB Trần Thanh Hải cho rằng có sự mâu thuẫn về quan điểm trong dự thảo luật liên quan đến vấn đề chuyển đổi giới tính.
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh. LÊ PHI
Khoản 2 Điều 36 quy định về việc chuyển đổi giới tính theo hướng: “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định”.
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng quy định này có sự mâu thuẫn: “Sau khi anh tự chuyển đổi giới tính xong thì anh lại được quyền yêu cầu xác định lại giới tính. Vậy là chúng ta hợp thức hóa việc người ta được chuyển đổi giới tính, như thế là mâu thuẫn với việc nhà nước không thừa nhận chuyển đổi giới tính. Hai khoản này trong một điều tôi thấy nó cài lẫn nhau. Nên đề nghị ban soạn thảo xem lại cái này vì tôi thấy bất hợp lý”.
Luật một mặt quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Nhưng mặt khác lại quy định quyền của người đã chuyển đổi giới tính, được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác có liên quan. Như vậy, nếu việc chuyển đổi giới tính đã được thực hiện thì các hệ quả phát sinh lại được pháp luật tôn trọng và bảo hộ. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm trong xã hội. “Nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới”, ĐB Hải nói.
Cũng theo ĐB Hải, nếu luật cho chuyển đổi giới tính thì phải có những quy định để các cơ sở y tế thực hiện chứ hiện nay y tế Việt Nam chưa làm được nên phải đi qua Thái Lan.
Các ĐB cũng tỏ ra băn khoăn về quyền xác định lại giới tính. Theo đó nếu quy định như dự thảo thì có nghĩa là khi sinh ra giới tính chưa xác định thì lại không cho, nhưng những ai đã chuyển rồi thì lại cho xác định lại giới tính. Điều này hết sức mâu thuẫn.