Bị xử lý hình sự vì đi bộ sang đường thiếu quan sát gây tai nạn

(PLO)- Bị cáo D khi đi bộ sang đường đã thiếu chú ý quan sát các xe đang đi tới, không đảm bảo quy định về an toàn giao thông đường bộ nên đã xảy ra va chạm…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Cổng thông tin điện tử TAND Tối cao vừa công bố Bản án số 77/2024/HS-ST ngày 29-11-2024 của TAND huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Đây là bản án về vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

đi bộ sang đường
Hình minh họa. Ảnh: PHI HÙNG.

Đi bộ sang đường thiếu quan sát

Theo hồ sơ, tối ngày 4-3-2024, trong lúc ngồi chờ con gái đang trên đường về, D lấy bia ra uống. Sau đó, D thấy điện thoại của mình gần hết pin nên đi bộ ngang qua quốc lộ để về lấy cục sạc pin điện thoại.

Khi qua đường, do thiếu chú ý quan sát nên D không phát hiện xe mô tô do ông Ch điều khiển lưu thông trên quốc lộ đang đi đến. Lúc D vừa đi đến gần vạch kẻ giữa đường thì va chạm với bị xe mô tô do ông Ch điều khiển gây tai nạn làm cả hai ngã ra đường.

Tại bản kết luận giám định pháp y, ông Ch thương tích 90%, D 8%.

VKSND huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk truy tố bị cáo D về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điểm b khoản 1 Điều 260 BLHS.

Tại phiên toà, bị cáo đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như đã khai tại CQĐT và cáo trạng đã truy tố.

VKS đề nghị xử phạt bị cáo D 12 tháng đến 18 tháng cải tạo không giam giữ...

Tòa phạt 1 năm 6 tháng cải tạo không giam giữ

HĐXX cho rằng bị cáo D đi bộ sang đường thì phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường. Tuy nhiên, bị cáo đã không tuân thủ đúng quy định về tham gia giao thông đường bộ, thiếu chú ý quan sát các xe đang đi tới, không đảm bảo quy định về an toàn giao thông đường bộ nên đã xảy ra va chạm với mô tô biển do ông Ch điều khiển khiến ông Ch bị thương tích với tỷ lệ 90%.

Hành vi của bị cáo đã vi phạm vào khoản 3 Điều 32 Luật Giao thông đường bộ. Do đó, cần áp dụng mức hình phạt phù hợp tương ứng với tính chất, mức độ do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra nhằm cải tạo, giáo dục riêng đồng thời răn đe, phòng ngừa chung trong đời sống xã hội về loại tội phạm này.

Tuy nhiên, D đã thực sự thành khẩn khai báo, có thái độ ăn năn hối cải, bị cáo đã tự nguyện thoả thuận bồi thường, hỗ trợ xong. Cạnh đó, bị cáo phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, là người cao tuổi, được gia đình bị hại xin bãi nại. Sự việc xảy ra gây thương tích cho bị hại cũng có lỗi của bị hại khi điều khiển phương tiện thiếu quan sát nên không thấy người đi bộ qua đường và không nhường đường cho người đi bộ, dẫn đến va chạm giao thông.

Xét thấy bị cáo D có nhiều tình tiết giảm nhẹ có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, có nơi cư trú rõ ràng, là người cao tuổi... Vì vậy việc cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội là không cần thiết, có thể áp dụng Điều 36 BLHS, cho bị cáo D được cải tạo không giam giữ để tự cải tạo ngoài xã hội, dưới sự giám sát của gia đình và địa phương cũng đủ giáo dục bị cáo thành công dân tốt và không gây nguy hiểm, không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, thể hiện được chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật.

Từ đó, HĐXX xử phạt D 1 năm 6 tháng cải tạo không giam giữ về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm