Thông tin này được dư luận chú ý bởi lẽ đối với vàng thì ai cũng cất giữ kỹ lưỡng nhưng không mấy người quan tâm lưu giữ lại các chứng từ mua bán, tặng cho bởi các cửa hàng vàng vẫn nhận mua vào hà rầm mà không hề đòi hỏi giấy tờ liên quan.
Pháp luật hiện hành có hai hình thức điều chỉnh về mặt hành chính và hình sự đối với vàng. Về hình sự, hành vi buôn bán trái phép vàng từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài có thể bị truy cứu về tội buôn lậu. Về hành chính, các nghị định 24/2012, 96/2014 của Chính phủ đưa ra ba yêu cầu mà nếu không chấp hành thì người dân có thể bị phạt tiền ở mức khá cao. Gồm có: Không được sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán; việc kinh doanh mua, bán vàng miếng chỉ được thực hiện ở nơi có giấy phép kinh doanh; mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh phải khai báo hải quan theo quy định và nếu vượt mức quy định thì phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.
Về nguyên tắc, quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ. Ở trong nước, do không phải là hàng cấm lưu thông nên người dân muốn mang vàng đi bằng đường bộ, đường thủy đều được. Còn như muốn mang vàng qua đường hàng không thì cũng không có hạn chế nào. Cũng vì không có văn bản nào ra điều kiện sở hữu hợp pháp là phải có giấy tờ chứng minh nên trong những trường hợp bình thường sẽ không có việc lực lượng chức năng kiểm tra, hạch hỏi hóa đơn xuất xứ vàng.
Trở lại vụ 11 kg vàng đã nêu, có lẽ do số lượng lớn dẫn đến nghi ngờ có liên can đến buôn lậu nên nó đã bị “vịn”. Chỉ có thể là vậy chứ không phải vì lỗi vận chuyển trái phép như ai đó đã nói bởi hiện không có quy định phải xin giấy phép cho việc mang theo vàng trên các chuyến bay nội địa. Như vậy, nếu người chủ ngay tình, không dính dáng đến buôn lậu để có thể phải chịu tội và bị tòa tuyên tịch thu một phần hoặc toàn bộ số vàng phạm pháp thì lực lượng chức năng không thể, không có quyền tịch thu 11 kg vàng do lỗi không có hóa đơn cùng với một số vi phạm hành chính khác (nếu có).
Nhân đây cũng xin được lưu ý việc mang vàng từ TP.HCM ra Đà Nẵng mua nhà theo như trình bày của người phụ nữ trên không hoàn toàn là sai phạm. vẫn có thể xảy ra khả năng là số vàng đó được mang ra ngân hàng hoặc các doanh nghiệp có giấy phép ở Đà Nẵng đế bán lấy tiền giao cho bên bán nhà. Các cơ quan có thẩm quyền không được phép xử phạt bà về hành vi dùng vàng làm phương tiện thanh toán nếu không có bằng chứng cho thấy bà đã dùng vàng để thanh toán trực tiếp cho người bán nhà. Và tất nhiên các cơ quan đó cũng không được phép neo giữ lâu số vàng của bà với lý do nếu không phải buôn lậu thì hẳn có sự mờ ám nào đó khi ôm hơn 300 lượng vàng ra Đà Nẵng thay vì bán vàng ở TP.HCM để chuyển khoản hoặc mang tiền ra Đà Nẵng vì đó là quyền lựa chọn an toàn của
từng người.
Do chưa ghi nhận được 11 kg vàng trên mắc lỗi vi phạm nào nên cũng chưa rõ nó bị lập biên bản lưu giữ theo diện gì và có đúng quy định của pháp luật hay không. Cùng chờ xem kết cục thế nào nhưng chắc chắn chủ nhân của nó phải có được lời xin lỗi chính thức cùng những bù đắp thiệt hại phù hợp nếu thực sự được xác định là không có bất kỳ hành vi vi phạm nào.
Có vậy thì nhiều người đang sở hữu nhiều vàng mà không có hóa đơn theo lẽ thường mới đỡ đối diện với nguy cơ bị lực lượng chấp pháp xâm phạm loại tài sản đặc biệt này từ những tình nghi không có căn cứ.