Người dân được nộp đơn kiện trên mạng

Theo Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, ngoài phương thức nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại tòa hay gửi qua đường bưu điện như hiện nay, Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 và Luật Tố tụng hành chính (LTTHC) 2015 đã bổ sung phương thức “gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua cổng thông tin điện tử của tòa án” (Điều 199 BLTTDS 2015 và Điều 119 LTTHC 2015). Kèm đơn khởi kiện, đương sự (cơ quan, tổ chức, cá nhân) gửi tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có cho tòa. Cạnh đó, BLTTDS 2015 và LTTHC 2015 cũng bổ sung quy định về cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử.

Gửi trên cổng thông tin điện tử của tòa

Từ các quy định mới trên, dự thảo nghị quyết hướng dẫn văn bản điện tử trong tố tụng dân sự, hành chính bao gồm: Đơn khởi kiện; tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện; biên lai thu tiền tạm ứng án phí, tiền án phí; các văn bản của cơ quan nhà nước phát hành theo quy định của pháp luật; văn bản tố tụng do tòa ban hành và các văn bản, tài liệu, chứng cứ khác. Văn bản điện tử có thể được chuyển đổi sang văn bản giấy theo quy định của Luật Giao dịch điện tử.

Đương sự muốn thực hiện giao dịch điện tử (nộp đơn khởi kiện, cung cấp tài liệu, chứng cứ...) với tòa phải bảo đảm các điều kiện: Có khả năng truy cập và sử dụng mạng Internet, có địa chỉ thư điện tử và số ĐTDĐ. Đương sự được đăng ký một số ĐTDĐ để nhận mã xác thực giao dịch điện tử qua tin nhắn và được đăng ký một địa chỉ thư điện tử chính thức để nhận tất cả văn bản tố tụng trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử với tòa.

Người dân nộp đơn khởi kiện tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

Tòa thực hiện giao dịch điện tử với đương sự là tòa có đủ điều kiện để thực hiện được việc gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ; cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử đối với vụ án dân sự, vụ án hành chính.

Về cách thức giao dịch, đầu tiên đương sự truy cập vào cổng thông tin điện tử của tòa rồi thực hiện đăng ký giao dịch với tòa bằng phương thức điện tử. Lưu ý là bản giấy của hồ sơ đăng ký giao dịch bằng phương thức điện tử phải được nộp trực tiếp tại tòa hoặc gửi qua đường bưu chính sau đó.

Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cổng thông tin điện tử của tòa sẽ gửi thông báo về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đăng ký giao dịch điện tử cho đương sự qua cổng thông tin điện tử của tòa (chậm nhất là năm ngày làm việc). Trường hợp chấp nhận, cổng thông tin điện tử của tòa gửi kèm thông tin về tài khoản giao dịch điện tử trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính cho đương sự. Trường hợp không chấp nhận, đương sự căn cứ thông báo không chấp nhận đăng ký giao dịch điện tử của tòa để hoàn chỉnh thông tin đăng ký hoặc liên hệ với tòa đó nhằm được hướng dẫn, hỗ trợ.

Ngày nộp đơn khởi kiện điện tử là ngày đương sự thực hiện giao dịch điện tử thành công. Tòa gửi thông báo nhận đơn khởi kiện điện tử đến đương sự qua cổng thông tin điện tử của tòa chậm nhất 15 phút sau khi nhận được đơn khởi kiện điện tử.

Tống đạt văn bản cũng qua mạng

Cũng theo dự thảo nghị quyết, tòa phải thông báo đến điện thoại của đương sự về việc đã gửi văn bản tố tụng từ cổng thông tin điện tử của tòa, đồng thời lưu trữ văn bản đó trên cổng thông tin điện tử của tòa. Đương sự có thể tra cứu văn bản tố tụng qua tài khoản giao dịch hoặc mã giao dịch điện tử do cổng thông tin điện tử của tòa cấp cho họ. Khi đương sự và tòa đã hoàn thành việc thực hiện giao dịch điện tử thì không phải thực hiện các phương thức giao dịch khác và được công nhận đã hoàn thành thủ tục tố tụng tương ứng.

Một điểm rất tiện lợi là đương sự được thực hiện các giao dịch điện tử với tòa suốt 24 giờ trong ngày và bảy ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết.

Ngày cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng điện tử của tòa gửi cho đương sự là ngày tòa tiến hành cấp, tống đạt, thông báo cho đương sự thành công qua cổng thông tin điện tử của tòa.

Trường hợp đương sự ngừng giao dịch với tòa bằng phương thức điện tử thì truy cập vào cổng thông tin điện tử của tòa để khai báo và gửi đến cổng thông tin điện tử của tòa...

Tạo thuận lợi cho dân

“Tôi ủng hộ việc cho nộp đơn khởi kiện điện tử, tống đạt văn bản trên cổng thông tin điện tử của tòa vì rất có lợi, thuận tiện cho người dân, nhất là trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay” - luật sư Trương Đình Công Vĩnh (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét.

Theo luật sư Vĩnh, việc nộp, nhận đơn khởi kiện, tống đạt văn bản, thông báo qua mạng sẽ giúp cả tòa lẫn đương sự đỡ mất công mất sức, mất thời gian, giảm bớt được chi phí liên quan. Tuy nhiên, luật sư Vĩnh cho rằng để hình thức giao dịch điện tử này phổ biến thì cần có thời gian vì người dân không phải ai cũng quen giao dịch trên mạng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Chưa kể, cũng cần có thời gian cho tất cả tòa án đầu tư xây dựng cổng thông tin điện tử của mình cùng nền tảng công nghệ cần thiết để thực hiện giao dịch điện tử với đương sự.

Cũng ủng hộ việc xây dựng cơ chế giao dịch với tòa qua mạng, luật sư Chu Văn Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM) góp ý: Dự thảo nghị quyết cần hướng dẫn rõ về việc tòa phải chuyển toàn bộ tài liệu điện tử nhận được từ đương sự sang văn bản giấy để lưu hồ sơ. Song song đó, toàn bộ văn bản giấy do đương sự nộp cũng phải được tòa chuyển sang văn bản điện tử để thuận lợi cho đương sự khác nghiên cứu, in ấn. Thực tế hiện nay muốn được phôtô tài liệu, đương sự phải đến tòa làm đơn xin rồi chờ thư ký tòa trình thẩm phán phê chuẩn chấp nhận, rất bất tiện và mất thời gian...

Một số băn khoăn

Tôi nghĩ chữ ký trong đơn khởi kiện của đương sự rất quan trọng, nó là sự đảm bảo về trách nhiệm và nghĩa vụ đi kèm. Vì vậy, giả sử đương sự có gửi đơn qua email thì tiếp đó tòa cũng phải mời đương sự đến xác nhận chữ ký, sau đó mới tiếp tục các bước tố tụng khác.

Việc tống đạt qua email có vẻ rất tiện lợi cho cả tòa lẫn đương sự. Tuy nhiên, tôi lo ngại rằng tòa sẽ gặp nhiều khó khăn nếu đương sự cố tình không hợp tác, viện nhiều lý do để nói là không nhận được văn bản tố tụng. Các biện pháp tống đạt hiện nay liên quan nhiều đến căn cứ xét xử vắng mặt đương sự nên vấn đề này cần phải được tính tới.

Luật sư TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN,
Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm