Tranh chấp đất: Có được khởi kiện ngay?

“Đối với những diện tích đất không có giấy chứng nhận hoặc các loại giấy tờ hợp lệ theo quy định, nếu trước đây người tranh chấp chỉ được quyền khiếu nại đến UBND cấp có thẩm quyền thì nay họ được chọn cách khởi kiện ra tòa”. Ông Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao, đã lưu ý như thế với Pháp Luật TP.HCM về những điểm mới của Luật Đất đai 2013.

. Phóng viên: Với sự thay đổi đó thì có nghĩa là người dân được chọn một trong hai cách: Hoặc khiếu nại đến UBND hoặc khởi kiện ngay ra tòa, phải vậy không thưa ông?

+ Ông Phạm Công Hùng: Khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định: Trong trường hợp đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của luật này thì đương sự chỉ được chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai. Đó là: a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền (là UBND cấp huyện nếu tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân… với nhau, là UBND cấp tỉnh nếu một bên tranh chấp là tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài…); b) Khởi kiện tại TAND có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Theo Luật Đất đai mới, người dân có quyền khởi kiện ra tòa khi tranh chấp đất đai trong trường hợp không có giấy tờ hợp pháp. Ảnh: HTD

Như vậy, giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2003 có sự khác biệt lớn về việc giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp đương sự không có giấy tờ hợp pháp, hợp lệ theo quy định. Luật Đất đai 2013 cho phép đương sự được khởi kiện ngay tại TAND có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp đất đai đối với trường hợp này bằng một vụ án dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Trong khi đó, theo luật cũ thì đương sự chỉ được quyền khiếu nại đến chủ tịch UBND có thẩm quyền. Trường hợp chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết nếu không đồng ý và không khiếu nại đến chủ tịch UBND cấp tỉnh (hoặc chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết mà vẫn không đồng ý nhưng không khiếu nại đến bộ trưởng Bộ TN&MT) thì đương sự được quyền khởi kiện quyết định giải quyết của chủ tịch UBND đó bằng một vụ án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

. Nhiều người thắc mắc có phải tranh chấp đất đai nào cũng đều phải được UBND xã hòa giải trước khi nộp đơn kiện ra tòa?

+ Trước đây, hầu như các loại tranh chấp đất đều bắt buộc đương sự phải gửi đơn đến xã, phường để yêu cầu hòa giải và chỉ khi nào UBND cấp xã hòa giải không thành hoặc không hòa giải được thì đương sự mới có quyền khởi kiện tại tòa án. Nay cần lưu ý là khoản 3 Điều 8 Nghị quyết số 05 ngày 3-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có sự phân biệt như sau: Các tranh chấp ai có quyền sử dụng đất (tức là bên nào cũng cho rằng quyền sử dụng đất là của mình) bắt buộc phải được hòa giải tại UBND cấp xã. Còn các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất như tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất… thì không phải tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp (nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục hòa giải theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự khi tòa án tiến hành giải quyết vụ án).

. Xin cám ơn ông.

Thế nào là giấy tờ hợp lệ về đất?

Các giấy tờ hợp lệ về đất gồm có: Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước 15-10-1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính trước 15-10-1993; giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất; giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước 15-10-1993 được UBND cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước 15-10-1993…

(Theo Điều 100 Luật Đất đai 2013)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm