Mang bình xịt hơi cay để tự vệ có vi phạm pháp luật không?

(PLO)- Việc cá nhân tự ý mua và sử dụng bình xịt hơi cay để phòng vệ, hoặc tàng trữ trong các tình huống không được phép là vi phạm pháp luật.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Rạng sáng 16-11, ông NAT và 2 người bạn nhờ chủ quán ốc gọi giúp taxi để về khách sạn.Khi về tới khách sạn, ông T và tài xế taxi xảy ra cự cãi. Lúc này, tài xế taxi lấy bình xịt hơi cay rồi xịt thẳng vào mặt ông T và một người bạn đi cùng khiến 2 người phải nhập viện cấp cứu.

Liên quan đến nội dung trên, bạn đọc thắc mắc hành vi xịt hơi cay vào mặt người khác của tài xế bị xử lý như thế nào, việc mang bình xịt hơi cay để tự vệ có vi phạm pháp luật không?

Luật sư Phùng Văn Hiệu, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, trả lời: căn cứ khoản 11 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và Điều 3 Nghị định 79/2018, bình xịt hơi cay được xếp vào nhóm công cụ hỗ trợ. Đây là các phương tiện được trang bị để phục vụ mục đích thi hành công vụ hoặc bảo vệ an ninh trật tự; nhằm hạn chế, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật hoặc bảo vệ người thi hành công vụ.

Theo khoản 1 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), pháp luật nghiêm cấm cá nhân (nếu không thuộc nhóm đối tượng được cấp phép) tàng trữ, sử dụng công cụ hỗ trợ, bao gồm cả bình xịt hơi cay.

Tuy nhiên, một số ngoại lệ được áp dụng cho trường hợp khi được sử dụng làm đồ gia bảo, hiện vật trưng bày hoặc triển lãm.

bình xịt hơi cay
Tài xế taxi dù dùng bình xịt hơi cay tấn công hành khách.

Trong vụ việc nêu trên, tài xế taxi không thuộc đối tượng được phép tàng trữ và sử dụng công cụ hỗ trợ “bình xịt hơi cay” nhưng lại tự trang bị và sử dụng nên có thể vi phạm Điều 11 Nghị định 144/2021.

Trong trường hợp này, mức xử phạt hành chính có thể lên đến 20 triệu đồng và tịch thu bình xịt hơi cay. Nghiêm trọng hơn nếu hành vi sử dụng bình xịt hơi cay của tài xế trong vụ việc nêu trên gây thương tích cho người khác mà thỏa mãn các dấu hiệu định tội quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì sẽ có thể bị xem xét xử lý theo tội danh này.

Bên cạnh đó, theo thông tin xác minh từ Sở Giao thông Vận tải cho thấy phương tiện của tài xế taxi này không được cấp phép kinh doanh taxi. Điều này đồng nghĩa với việc tài xế đã sử dụng phương tiện không đăng ký theo quy định pháp luật để thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Cụ thể, theo khoản 7 Điều 28 Nghị định 100/2019 và điểm r khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021, việc kinh doanh vận tải bằng ô tô không có giấy phép kinh doanh hoặc không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng.

Việc sử dụng phương tiện không được cấp phép để kinh doanh không chỉ vi phạm các quy định về giao thông vận tải mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với hành khách; đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến bảo hiểm, an toàn giao thông, và quyền lợi của người sử dụng dịch vụ mà vụ việc nêu trên như một minh chứng điển hình. Do đó, pháp luật hiện nay quy định rất chặt chẽ về giấy phép kinh doanh vận tải và điều kiện hoạt động của các phương tiện vận tải.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm