Tổng Bí thư Tô Lâm: Đánh giá cán bộ phải thực chất, vì việc tìm người

(PLO)- Tổng Bí thư yêu cầu trong kỷ nguyên mới phải đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 25-11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư, đã có buổi trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Tại đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu ra một số nhận thức cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đồng thời một lần nữa khẳng định thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng. “Hiện nay là thời điểm ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thịnh vượng sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu”- Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Đánh giá cán bộ phải thực chất, vì việc tìm người
Tổng Bí thư Tô Lâm đến trao đổi chuyên đề về kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ảnh: NHÂN DÂN

Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng

Trao đổi những định hướng thời gian tới, Tổng Bí thư yêu cầu cần tập trung thực hiện một số giải pháp chiến lược, thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “Bộ tổng tham mưu”, là đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước.

Trong đó, nghiên cứu, đẩy mạnh việc hợp nhất một số cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, bảo đảm nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý; phân biệt và quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của các cấp lãnh đạo trong các loại hình tổ chức Đảng, tránh tình trạng bao biện làm thay, hoặc tồn tại song trùng, hình thức.

Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng; xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên thật sự là các “tế bào” của Đảng. Người thực hiện các Nghị quyết của Đảng phải là tất cả các đảng viên.

Do vậy, Nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức Đảng phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ thực hiện, xác định đúng, trúng yêu cầu, nhiệm vụ, con đường, cách thức phát triển của đất nước, của dân tộc, của từng địa phương, từng bộ, ngành. Ngoài ra, phải có tầm nhìn, tính khoa học, tính thực tiễn, thiết thực và tính khả thi; tạo sự phấn khởi, tin tưởng, kỳ vọng và động lực thôi thúc hành động của cán bộ, đảng viên, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và nhân dân thực hiện Nghị quyết của Đảng.

Xây dựng các chi bộ cơ sở vững mạnh, có tính chiến đấu cao, có năng lực đưa Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống; đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở Đảng, đảm bảo hoạt động sinh hoạt chi bộ thực chất, hiệu quả.

Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng. Ban hành Quy định phân cấp thẩm quyền kiểm tra, giám sát gắn với phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi lợi dụng kiểm tra, giám sát để tham nhũng, tiêu cực.

tong-bi-thu-to-lam-danh-gia-can-bo-phai-thuc-chat-vi-viec-tim-nguoi.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề về kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ảnh: NHÂN DÂN

“Trung ương làm gương - Địa phương hưởng ứng”

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nhất là đối với các cơ quan Trung ương là vấn đề đặc biệt hệ trọng, có thể coi đây là một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy; tác động đến sự phát triển của đất nước và tâm tư, tình cảm, quyền lợi của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

“Đây cũng là vấn đề khoa học tổ chức, rất khó khăn, phức tạp, bởi có nhiều quan điểm, ý kiến với góc nhìn khác nhau” – Tổng Bí thư nói và yêu cầu việc triển khai thực khẩn trương nhưng không nóng vội, cần làm rõ các nguyên tắc để xác định không trùng dẫm chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, các đơn vị khác phối hợp.

Làm rõ các chính sách cụ thể để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động (cả việc làm công tác chính trị tư tưởng và chế độ, chính sách), bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới đời sống của cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và người lao động; bảo đảm bộ máy hệ thống chính trị vận hành liên tục, không đứt quãng, không bỏ trống thời gian, địa bàn, lĩnh vực trong quá trình sắp xếp lại.

Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp làm với phương châm “Trung ương làm gương - Địa phương hưởng ứng”.

Nhấn mạnh một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới, Tổng Bí thư chỉ rõ, đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được; tăng cường tự đào tạo, tự bồi dưỡng, nhất là đối với yêu cầu của chuyển đổi số; xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Cơ quan tổ chức phải có bộ công cụ đánh giá, phân định rõ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung với người phiêu lưu, liều lĩnh, viển vông, không thực tế; có cơ chế bảo vệ đối với những trường hợp nguy cơ rủi ro, sai sót từ sớm, ngay từ khi đề xuất kế hoạch.

“Sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín” – ông nói và nhấn mạnh công tác chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thử thách đối với các cán bộ là nhân sự được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp. Qua đó, bảo đảm lựa chọn ra được cấp ủy, nhất là người đứng đầu có năng lực lãnh đạo, có sức chiến đấu cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung...

chuyen-de-ky-nguyen-moi-hoc-vien-chinh-tri-quoc-gia-1.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề về kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ảnh: NHÂN DÂN

Đột phá mạnh mẽ về thể chế phát triển

Chỉ ra một số giải pháp, định hướng chiến lược, Tổng Bí thư yêu cầu, đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt, tất cả vì sự phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội của đất nước và phát triển nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Đồng bộ và đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội là ưu tiên cao nhất. Tập trung xây dựng mô hình XHCN Việt Nam, trọng tâm là xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng xây dựng xã hội XHCN mà Cương lĩnh của Đảng đã xác định (dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, Đảng Cộng sản lãnh đạo).

Tập trung phát triển lực lượng sản xuất mới (kết hợp giữa nguồn nhân lực chất lượng cao với tư liệu sản xuất mới, hạ tầng chiến lược về giao thông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh) gắn với hoàn thiện quan hệ sản xuất. Khởi xướng và thực hiện cách mạng chuyển đổi số. Đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển.

Về tăng cường tính Đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, Tổng Bí thư nêu rõ quan điểm, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền XHCN cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

chuyen-de-ky-nguyen-moi-hoc-vien-chinh-tri-quoc-gia.jpg
Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: NHÂN DÂN

Xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng cả lĩnh vực

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhìn nhận lãng phí hiện nay diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Chính vì vậy, ông lưu ý giải pháp chiến lược những năm tới đó là đẩy mạnh phòng, chống lãng phí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Từ ban hành quy định của Đảng để nhận diện, chiến lược quốc gia, quy định của pháp luật và thực thi trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công theo tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng cả lĩnh vực”.

Rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí; các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi để giảm thiểu lãng phí.

Giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém. Sớm hoàn thành cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”.

Năm 2030, Việt Nam đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới về chính phủ điện tử

Về chuyển đổi số, Tổng Bí thư nêu một số giải pháp chủ yếu tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho phát triển số, tạo nền tảng để Việt Nam nắm bắt cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số. Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn. Tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất. Phát triển kinh tế số, xây dựng công dân số; khuyến khích phong trào “bình dân học vụ số” để phổ cập xã hội số trong toàn dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm