Thêm nhiều đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP, khẳng định Luật TGPL góp phần đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật nhất là trợ giúp cho những người yếu thế trong xã hội. Điều này thể hiện tính nhân văn của Nhà nước, trợ giúp những người yếu thế trong xã hội có khó khăn về tài chính, không đủ khả năng chi trả thù lao dịch vụ pháp lý, chi phí cũng như không có điều kiện tiếp cận những dịch vụ pháp lý thông thường. Họ khó có điều kiện tiếp cận với dịch vụ pháp lý thì việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí là nhiệm vụ, trách nhiệm của Nhà nước. Việc này Trung tâm trợ giúp pháp lý TP.HCM làm rất tốt trong những năm qua...

Thêm nhiều đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí
Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM tại hội nghị . Ảnh: KP

Ông Nguyễn Minh Chánh, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước TP.HCM, trình bày về những người được TGPL, quyền và nghĩa vụ của họ cũng như quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, người thực hiện TGPL; phạm vi, lĩnh vực, hình thức và hoạt động TGPL như việc được TGPL trong các lĩnh vực pháp luật trừ kinh doanh, thương mại. Nếu như trước đây luật này chỉ trợ giúp cho sáu đối tượng thì nay luật mới mở rộng diện người được TGPL từ sáu lên đến 14 đối tượng.

Trong đó, những người được bổ sung trợ giúp mới là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (hiện nay nhóm người này thuộc trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự.).

Ông Nguyễn Minh Chánh phân tích người bị buộc tội gồm người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Nếu những người này thuộc độ tuổi trên thì được hưởng chính sách TGPL miễn phí của Nhà nước. Do đối tượng này là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như tinh thần nên rất dễ tổn thương, đặc biệt khi họ tham gia tố tụng với tư cách là bị can trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Vì vậy, họ cần được sự TGPL để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và qua việc TGPL cũng giúp họ hiểu biết các quy định pháp luật để có ý thức tự giác chấp hành pháp luật, nhận thức được về hành vi sai trái của mình để từ bỏ, không tái phạm...

Thêm nhiều đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí
Ông Nguyễn Minh Chánh, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước TP.HCM, triển khai Luật TGPL tại hội nghị. Ảnh: KP 

Luật TGPL mới cũng chú trọng việc phải chuẩn hóa đội ngũ những người làm công tác TGPL phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn “đầu vào” như trình độ chuyên môn phải là cử nhân luật trở lên, có phẩm chất đạo đức tốt, không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật, đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý; có sức khỏe…Theo ông Nguyễn Minh Chánh, quy định này nhằm giúp nâng cao chất lượng những người làm công tác TGPL phải nâng tiêu chuẩn “đầu vào” để đảm bảo khâu “đầu ra” đạt chất lượng đã cung cấp dịch vụ pháp lý thì phải chuẩn, hiệu quả đáp ứng được mong mỏi của người đến trợ giúp và đúng quy định pháp luật….

14 nhóm người được trợ giúp pháp lý
1. Người có công với cách mạng.
2. Người thuộc hộ nghèo.
3. Trẻ em.
4. Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
5. Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
6. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.
7. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:
- Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;
- Người nhiễm chất độc da cam;
- Người cao tuổi;
- Người khuyết tật;
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;
- Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;
- Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;
- Người nhiễm HIV.
Chính phủ quy định chi tiết điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản này phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội.
(Trích Điều 7 Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực ngày 1-1-2018).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm