Sau đó, chị có đến phòng khám tư của bác sĩ T. tại TP Tân An (Long An) để mua thuốc điều trị. Uống ba tuần đầu nhưng bệnh vẫn không giảm, chị tiếp tục đến phòng khám và được kê toa thuốc uống thêm ba tuần nữa.
Tuy nhiên, qua gần sáu tuần điều trị, chị bắt đầu có biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, bụng cồn cào và tóc rụng nhiều. Đến khoảng tháng 9, chị T. đã bị rụng hết tóc.
Xét nghiệm tại một số bệnh viện tại TP.HCM, chị T. được chẩn đoán bị giảm bạch cầu do thuốc điều trị sán chó dẫn đến rụng tóc. Vì vậy, chị T. có đến phòng khám bác sĩ T. để yêu cầu bồi thường tổn thất vật chất lẫn tinh thần nhưng phòng khám chỉ đồng ý bồi thường tiền thuốc vài trăm ngàn đồng.
“Hoàn cảnh con tôi hết sức khó khăn, có con nhỏ, vợ chồng nó đi làm mướn kiếm tiền qua ngày. Khi bị rụng hết tóc, con tôi rất hoang mang và đi chạy chữa nhiều nơi tốn tiền nhưng tóc vẫn khó mọc lại như thường” - ông Nguyễn Văn Mười, cha của chị T., cho biết.
Hiện nay, sau khi bị rụng hết tóc, mỗi ngày đi làm chị T. phải che khẩu trang và đội nón trùm đầu vì xấu hổ. Do phòng khám bác sĩ T. không đồng ý bồi thường nên gia đình chị T. đã khiếu nại lên Thanh tra Sở Y tế tỉnh Long An.
Theo ông Lý Quang Xuân, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Long An, qua xác minh, phòng khám của ông T. có đủ điều kiện hoạt động. Về nguyên nhân ban đầu làm chị T. rụng tóc, theo ông Xuân là do tác dụng phụ của thuốc, là sự cố ngoài ý muốn. Thanh tra Sở Y tế sẽ tiếp tục xác minh làm rõ vụ việc nói trên.
Nên khởi kiện ngay! Tôi cho rằng trường hợp này cô T. hoàn toàn có quyền và có thể khởi kiện ngay ra TAND huyện nơi chị T. cư trú (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) hoặc nơi có phòng khám của bác sĩ điều trị (TP Tân An, Long An) để yêu cầu bồi thường ngoài hợp đồng theo quy định của BLDS. Chứng cứ khởi kiện bao gồm tất cả những kết quả xét nghiệm trước và sau khi điều trị tại cơ sở y tế tư nhân, đơn thuốc, tên thuốc đã uống trong quá trình điều trị và các kết luận cũng như ý kiến của vị bác sĩ và các cơ quan chuyên môn. Những chứng cứ trên để nhằm chứng minh yếu tố lỗi của vị bác sĩ trong quá trình điều trị để buộc ông ta phải bồi thường. Rõ ràng trong vụ này vị bác sĩ đã điều trị mà không khuyến cáo những tác dụng phụ của thuốc đối với bệnh nhân. Đáng ra sau ba tuần uống thuốc, bệnh nhân thấy không ổn thì bác sĩ phải cho làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán hoặc hướng dẫn chị T. đến cơ sở y tế khác có điều kiện hơn. Đằng này vị bác sĩ đã bỏ qua hết các quy trình cần thiết trên để tiếp tục bán và cho cô T. uống thuốc tiếp, dẫn đến hậu quả như hiện nay. Các lỗi trên là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho cô T. theo Điều 609 BLDS. Về tổn thất vật chất cô T. có quyền yêu cầu bồi thường tiền khám bệnh, tiền thuốc, tiền làm các xét nghiệm. Tiếp theo là những chi phí hợp lý cho việc điều trị và bồi dưỡng trong quá trình phục hồi sức khỏe (thậm chí nhan sắc) sau khi gặp sự cố. Trường hợp vì lý do sức khỏe hoặc vì xấu hổ mà không dám đi làm hoặc chủ sử dụng lao động không cho làm nữa thì cô T. còn được yêu cầu bồi thường thu nhập thực tế bị mất. Về tổn thất tinh thần thì cô T. có thể yêu cầu ít nhất là 30 tháng lương tối thiểu do tinh thần bị tổn thất, nhan sắc hư hại khiến việc giao tiếp và đi đến nơi công cộng bị hạn chế. Luật sư PHẠM MINH TÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM |