Cuộc chiến thương mại: Trung Quốc, EU bắt tay nhau đối phó Mỹ?

Đã có dấu hiệu bắt tay đối phó Mỹ về thương mại từ TQ và Liên minh châu Âu (EU). Ngày 25-6 tại Bắc Kinh (TQ) diễn ra Đối thoại kinh tế cấp cao EU-TQ với sự tham gia của Phó Thủ tướng TQ Lưu Hạc và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jyrki Katainen.

Trong cuộc họp báo chung, ông Lưu Hạc cho biết hai bên thống nhất phản đối bảo hộ thương mại, cùng bảo vệ hệ thống thương mại đa phương toàn cầu, dự tính đối thoại tìm kiếm một thỏa thuận đầu tư song phương.

“Chính sách đơn phương đang trên đà trỗi dậy và căng thẳng thương mại đã xuất hiện ở nhiều nền kinh tế lớn. TQ và EU kiên quyết phản đối các hành động đơn phương và bảo hộ thương mại, cho rằng các hành động này có thể khiến kinh tế toàn cầu chìm vào suy thoái và bất ổn” - ông Lưu Hạc, cánh tay phải, cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, nói tại cuộc họp báo.

Theo Bloomberg, những lời nói này rõ ràng là nhắm vào Mỹ.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jyrki Katainen (trái) và Phó Thủ tướng Lưu Hạc (phải) gặp nhau trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế cấp cao EU-Trung Quốc, diễn ra tại nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 25-6. Ảnh: REUTERS

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jyrki Katainen (trái) và Phó Thủ tướng Lưu Hạc gặp nhau trong khuôn khổ Đối thoại kinh tế cấp cao EU-TQ diễn ra tại nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh (TQ) ngày 25-6. Ảnh: REUTERS

Diễn biến này đến trong bối cảnh cả TQ và EU đang căng thẳng thương mại nghiêm trọng với Mỹ quanh chuyện đánh thuế nhập khẩu.

Sau ba tháng trì hoãn, đầu tháng 6 Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức áp thuế nhập khẩu 25% lên thép và 10% lên nhôm EU. Trả đũa, ngày 22-6, EU đánh thuế nhập khẩu lên 3,3 tỉ USD hàng Mỹ. Ông Trump nhanh chóng phản ứng bằng lời đe dọa sẽ đánh thuế 20% lên ô tô EU.

Ô tô tại cảng Valencia (Tây Ban Nha). Ông Trump dọa sẽ đánh thuế nhập khẩu 20% lên ô tô EU. Ảnh: REUTERS

Ô tô tại cảng Valencia (Tây Ban Nha). Ông Trump dọa sẽ đánh thuế nhập khẩu 20% lên ô tô EU. Ảnh: REUTERS

Với TQc, trong tuần này dự kiến Bộ Tài chính Mỹ sẽ công bố các quy định mới đối với đầu tư của TQ vào các công ty công nghệ Mỹ, Bloomberg cho biết ngày 25-6, gia tăng áp lực lên TQ.

Phản ứng lại, Bộ Ngoại giao TQ ngày 25-6 cho rằng đầu tư của TQ vào các công ty công nghệ đã mang lại việc làm cho dân Mỹ cũng như tiền thuế cho chính phủ Mỹ, cần được xem là hoạt động thương mại “khách quan”.

Theo tuyên bố của ông Trump thì Mỹ sẽ đánh thuế nhập khẩu 25% lên 50 tỉ USD hàng TQ từ ngày 6-7 tới. TQ cũng tuyên bố sẽ đánh thuế 25% lên 50 tỉ USD hàng Mỹ, cũng vào ngày 6-7. Ông Trump tuyên bố sẽ tiếp tục áp gói thuế quan thứ hai lên 200 tỉ USD hàng TQ, nếu TQ dám trả đũa gói thuế quan thứ nhất đánh lên 50 tỉ USD.

Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung hai tháng qua đã không mang lại được thỏa hiệp, hai bên đang cận kề chiến tranh thương mại. Ảnh: REUTERS

Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung hai tháng qua đã không mang lại được thỏa hiệp, hai bên đang cận kề chiến tranh thương mại. Ảnh: REUTERS

Đe dọa này nếu thành sự thật có thể sẽ cắt giảm 0,5% tăng trưởng kinh tế của TQ nhưng kinh tế Mỹ cũng sẽ chịu thiệt hại không ít, nhiều nhà kinh tế dự đoán.

Dù đồng lòng chống lại đe dọa thương mại của Mỹ, giữa EU và TQ vẫn tồn tại bất đồng. EU vẫn bất mãn việc TQ tạo nhiều rào cản các công ty EU xâm nhập thị trường. TQ bất mãn chuyện EU trì hoãn ủng hộ dự án hạ tầng thương mại Vành đai và Con đường của TQ

Ngày 25-6 ông Lưu Hạc nói TQ hy vọng EU sẽ giảm rào cản xuất khẩu. Phần mình, ông Kataimen cũng kêu gọi TQ giảm rào cản tiếp cận thị trường và giải quyết chuyện xuất khẩu thép quá mức sang EU.

Theo ông Lưu Hạc, TQ và EU sẽ gặp nhau bàn về tiếp cận thị trường vào tháng 7 tới. Cũng theo ông Lưu, hai bên đã đồng ý gắn kết dự án Vành đai và Con đường với các chiến lược phát triển của EU.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm