Ngày 28-12, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết vừa lấy ra từ phế quản bé trai Trần Hoàng L. (sáu tuổi) ho kéo dài một bóng đèn LED nhỏ (loại thường lắp vào đồ chơi, kích thước 3 x 5 mm).
Trước đó, ngày 18-12, gia đình đưa bé L. đến BV Nhi đồng 1 để khám do bị ho lâu ngày không khỏi. Sau khi thăm khám, chụp X-quang, các bác sĩ (BS) phát hiện đường thở của bé có dị vật nên cho nhập viện.
Người nhà cho biết một năm trước, bé L. có biểu hiện ho sặc sụa, ói nên đưa bé đến phòng khám tư và được cho uống thuốc. Tuy nhiên, bé vẫn thường xuyên ho khò khè, ói vài lần trong ngày, hơi thở hôi tăng dần. Mặc dù vậy, bé vẫn ăn uống được, tiêu tiểu bình thường.
Dị vật đèn LED tìm thấy trong phế quản bé trai. Ảnh: BS
ThS-BS Nguyễn Kinh Bang, Phó khoa Ngoại tổng hợp BV Nhi đồng 1, cho biết do các mô xung quanh bám chặt lấy dị vật nên cố gắng lấy dị vật ra sẽ gây chảy máu rất nguy hiểm nên các BS tạm hoãn gắp dị vật. Hai ngày sau, tình trạng càng phức tạp hơn khi nội soi lần thứ hai không thấy dị vật nữa nên phải chụp CT ngực xác định vị trí dị vật và quyết định mổ. Nhiều phương án đã được đặt ra để đảm bảo an toàn cho bệnh nhi, tuy nhiên do chỗ phế quản chứa dị vật bị nhiễm trùng nặng nên các BS đã quyết định cắt thùy dưới phổi phải, đảm bảo lấy toàn bộ dị vật ra ngoài.
Hiện bé đã tỉnh và được theo dõi tại khoa Ngoại tổng hợp BV Nhi đồng 1. Ảnh: H.LAN
“Trường hợp này khá đáng tiếc khi phát hiện muộn, dị vật gây biến chứng nhiễm trùng nặng trong phế quản. Nếu phát hiện sớm, bệnh nhi đã không phải chịu cuộc mổ lớn và bảo tồn được phần phổi. Hiện tại chức năng hô hấp của bé sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên về sau sẽ có nhiều biến chứng như biến dạng lồng ngực, vẹo cột sống, vết mổ chảy máu ảnh hưởng tính mạng bé trong thời gian hậu phẫu” - BS Bang nói.
Theo BS Bang, do dị vật nhỏ nên không gây tắc khí quản và thanh quản khiến suy hô hấp ngay lúc nuốt, do đó bé chỉ có biểu hiện ho sặc. Lúc này dị vật sẽ trôi xuống phế quản nhỏ hơn và gây viêm phổi tái đi tái lại, do vậy thường dễ bị chẩn đoán nhầm với bệnh suyễn và hen phế quản.
BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, lưu ý dấu hiệu cho thấy có khả năng trẻ bị dị vật lọt vào đường thở là ho sặc và tím tái, nhất là khi xung quanh trẻ có đồ chơi hoặc trẻ đang ăn hạt. Lúc đó cần tức tốc đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.
"Nếu phát hiện sớm, các BS sẽ tiến hành soi gắp dị vật khá đơn giản. Cha mẹ nên lưu ý tuyệt đối không cho trẻ ngậm đồ vật trong miệng. Khi trẻ lỡ ngậm rồi thì không nên la lên làm trẻ giật mình vô tình nuốt vào rồi sặc luôn. Cách đây khoảng hai tuần, bệnh viện cũng phẫu thuật cho một em bé nuốt những viên bi có từ tính, khi chui vào ruột, các viên bi này hít lại với nhau gây thủng ruột nên phải cắt đoạn ruột đó đi" - BS Hiếu cho biết thêm.