Chiều 15-1, bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Bằng, Viện bỏng quốc gia, cho biết nơi đây vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi PNGB (3 tuổi, xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) bị bỏng khá nặng. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bỏng loét toàn thân, vị trí bỏng nặng chiếm 80% diện tích cơ thể.
Theo gia đình bệnh nhi, trong lúc đang chuẩn bị bữa trưa, người lớn chỉ lơ là một chút thì đã nghe tiếng bé B. gào la thất thanh... Mọi người chạy tới nhấc bé ra khỏi nồi bỗng rượu đang sôi sùng sục, đưa ngay tới BV gần đó cấp cứu.
Theo BS Phan Trường Tuệ - Điều dưỡng trưởng Khoa hồi sức cấp cứu, Viện bỏng Quốc gia, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bị bỏng nặng toàn bộ da trước ngực, bụng, hai tay và phần mông bị bỏng rộp tróc ra. May mắn phần đầu và hai bàn chân không bị thương.
Bé B. đã được các BS cắt lọc, loại bỏ dị vật vảy da, vảy tiết trên cơ thể, vệ sinh diện bỏng và băng toàn bộ diện bỏng.
Hiện sức khỏe bệnh nhi đã dần ổn định nhưng vẫn chưa thể ăn, chỉ đòi uống nước. Bé đang được theo dõi và chăm sóc đặc biệt.
"Khi bị bỏng, việc sơ cứu ban đầu rất quan trọng vì nếu xử trí không đúng cách sẽ khiến vết thương nhiễm trùng, lâu lành và để lại các di chứng như sẹo xấu, co rút ngón tay… thậm chí là thương tật vĩnh viễn. Trường hợp của bé B. rất may mắn khi được BV tuyến dưới sơ cứu đúng cách rồi đưa tới BV tuyến Trung ương rất kịp thời", BS Duệ cho hay.
Cũng theo BS Duệ, các bậc phụ huynh cần tuyệt đối thận trọng khi chăm sóc trẻ, không để phích nước sôi, ổ cắm điện trong tầm tay của trẻ. Với những bé đã biết đi, tuyệt đối không cho xuống khu vực bếp nấu ăn vì lửa và thức ăn nóng luôn là hiểm họa khôn lường đối với trẻ.