18 nước tập trận ở biển Đông

Báo Jakarta Post (Indonesia) đưa tin ngày 29-3, lực lượng hải quân và tàu chiến từ 18 quốc gia đã hội tụ tại vịnh Batam (Indonesia) để dự lễ khai mạc cuộc tập trận hải quân đa quốc gia Komodo 2014. Tập trận diễn ra từ ngày 29-3 đến 3-4 tại vịnh Batam, quần đảo Natuna và quần đảo Anambas của Indonesia.

Tham dự lễ khai mạc có Bộ trưởng Các vấn đề an ninh, pháp lý và chính trị Indonesia Djoko Suyanto, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro, tổng tham mưu trưởng quân đội Indonesia và đại sứ các nước tham gia tập trận.

18 nước với 4.885 binh sĩ tham gia tập trận gồm Mỹ, Nga, Nhật, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và 10 nước ASEAN. Liên minh châu Âu, Hà Lan và LHQ cử quan sát viên. Úc dự kiến gửi tàu chiến tham gia nhưng cuối cùng chỉ cử quan sát viên.

 
Lễ khai mạc cuộc tập trận hải quân đa quốc gia Komodo tại Batam ngày 29-3. Ảnh: POSMETROBATAM

Chủ đề chính của cuộc tập trận năm nay là hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Đây là lần đầu tiên cuộc tập trận như thế diễn ra tại Indonesia với mục tiêu thiết lập các tiêu chuẩn về phản ứng trước thảm họa trên đất liền, trên biển và trên không. Đây cũng là lần đầu tiên các nước lớn tại Thái Bình Dương tham gia tập trận nhằm tăng cường hợp tác hải quân.

Indonesia điều động 27 tàu chiến, hai máy bay, bốn trực thăng, hai tàu tuần duyên và một tàu của cơ quan dầu khí Indonesia SKK Migas. Mỹ cử tàu chiến USNS Cesar Chavez. Nga điều động tàu chiến Marshal Shaposnikov.

Chuyên gia Ristian Atriandi Supriyanto ở ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) ghi nhận cuộc tập trận Komodo 2014 thể hiện vai trò ngày càng lớn của hải quân Indonesia trong công tác ngoại giao hải quân quốc tế. Ngoài ra, cuộc tập trận cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của biển Đông trong tính toán địa-chiến lược của Indonesia.

Mặc dù Indonesia tuyên bố không tranh chấp ở biển Đông nhưng đường lưỡi bò Trung Quốc vẽ ra ở biển Đông nằm chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Indonesia. Ngư dân Trung Quốc đã từng tiến vào quần đảo Natuna dẫn đến va chạm thường xuyên giữa cơ quan hàng hải hai nước.

Liên quan đến vấn đề tranh chấp ở biển Đông, hãng tin GMA News (Philippines) đưa tin hôm 28-3, phát biểu tại Berlin (Đức) trong chuyến công du tại Đức, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ không hành động gây hấn liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông nhưng sẽ quyết tâm bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh tại khu vực này.

Trong khi đó, đài truyền hình ABS-CBN (Philippines) đưa tin ngày 29-3, Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố lên án hành vi quấy rối của tàu cảnh sát biển Trung Quốc. Tuyên bố yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động đe dọa an ninh đối với Philippines.

Trước đó, trong khi một tàu chính phủ Philippines đang chở binh sĩ và đồ tiếp tế cho đơn vị đồn trú trên chiếc tàu hải quân cũ ở bãi cạn Ayungin, hai tàu tuần tra cảnh sát biển Trung Quốc xuất hiện.

Một chiếc chạy lên phía trước tàu Philippines chặn đường và yêu cầu tàu Philippines rời khỏi khu vực. Cuối cùng tàu Philippines đã chạy vào khu vực nước nông để tránh tàu Trung Quốc. Các phóng viên Philippines và nước ngoài đi trên tàu chính phủ Philippines đã chứng kiến sự việc.

Đầu tháng 3, các tàu cảnh sát biển Trung Quốc cũng đã từng xua đuổi hai tàu Philippines ở bãi cạn Ayungin.

DUY KHANG - LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm