12 NĂM LÀM BÓNG ĐÁ CHUYÊN NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

Bóng đá trẻ ngày càng teo tóp

Sau đó khi tuổi chuyên nghiệp ngày càng dày thì những lứa cầu thủ nằm trong diện quy hoạch ngày càng mất hút do định hướng phát triển chỉ khai thác vào thành tích đội tuyển.

Nếu các quốc gia có sự liên thông và phát triển rất tốt giữa hệ thống giáo dục và LĐBĐ quốc gia và được chính phủ tạo điều kiện tốt thì ở Việt Nam các liên tịch giữa thể thao với giáo dục thì có nhưng chỉ ở dạng ký cho có.

Với bóng đá nói riêng, việc phối hợp với giáo dục gần như là số 0 và điều này cả hai phía đều có cách lý giải riêng. Nếu ngay những nước lân cận như Lào, Thái Lan, Malaysia, Singapore… các trường học luôn được mở rộng sân chơi và đặc biệt là sân bóng đá thì ở Việt Nam các sân chơi lại bị bóp lại để ưu tiên cho kinh doanh. Trong khi đó, LĐBĐ VN thì mang tiếng là “ăn nên làm ra” trong đó có phần Trung tâm Đào tạo trẻ hoành tráng được Nhà nước cấp đất và FIFA cho tiền để xây cất, mua sắm trang thiết bị nhưng đến nay lại chưa thấy phục vụ cho bóng đá trẻ. Và nghịch lý hơn là Trung tâm Đào tạo trẻ đấy đang được “khai thác” triệt để với phần làm kinh tế (cho thuê mặt bằng, kinh doanh…) nhưng lại không có loại hình nào để phục vụ bóng đá trẻ.

12 năm qua, với ba nhiệm kỳ VFF, bóng đá trẻ là một mảng trống bỏ ngỏ và cũng không có lộ trình phát triển toàn diện cho tuyến kế thừa. Đó là lý do sau thế hệ cầu thủ U-23 dự SEA Games 22 năm 2003, bóng đá trẻ ngày càng mai một và teo tóp ở cấp quản lý cao nhất là Tổng cục TDTT và VFF. Phần trẻ thu hoạch sau này lại chính là phần “tự cứu mình” hoặc kế hoạch cho riêng mình của một số CLB như SL Nghệ An, HA Gia Lai, Đà Nẵng…

Đã có lần tôi hỏi ông Đoàn Nguyên Đức về lứa cầu thủ mà ông tự kết hợp với nước ngoài để đào tạo thì ông được hỗ trợ gì từ VFF thì ông nói thẳng thắn: “Liên đoàn chẳng hỗ trợ gì cả, lại còn chờ “gà” tôi nuôi lớn lên rồi phát vài bộ áo đội tuyển để lấy tên là U-17 Việt Nam dự giải”.

Trong khi các quốc gia lấy bóng đá cộng đồng để thu hút các em tìm đến sân chơi và phát triển tố chất thì ở ta đa số bóng đá cộng đồng lại là nơi tư nhân hoặc các đơn vị ngoài Liên đoàn khai thác. VFF có bộ phận phát triển bóng đá trẻ nhưng những giải đấu cộng đồng hay những giải trẻ nằm ngoài chủ trương của VFF hầu như không thấy bóng dáng của bộ phận đào tạo, phát triển bóng đá trẻ ở đấy.

Cũng không sai khi các chuyên gia nói rằng bộ phận này chỉ lập để có chứ không làm cái việc đi tìm nhân tài như LĐBĐ các nước mở rộng mạng lưới tìm và phát hiện nhân tài rồi có kế hoạch phát triển.

12 năm làm bóng đá chuyên nghiệp với ba nhiệm kỳ qua rõ ràng chỉ chú trọng ở phần đỉnh nơi có đội chuyên nghiệp và nơi có đội tuyển quốc gia vì một suy nghĩ đơn giản: Đầu tư cho bóng đá trẻ thì lâu thu còn ở đội tuyển thì chỉ cần thành tích tốt là giữ ghế từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác.

Đã nhiều kỳ SEA Games bóng đá Việt Nam thất bại và lần nào cũng chỉ ra nguyên nhân khâu đào tạo trẻ. Tuy nhiên, nhìn vào công tác phát triển bóng đá trẻ thì rõ ràng là ngay từ cái đầu tàu VFF công tác phát triển trẻ bị bỏ rơi. Cũng từ đó, nhiều phụ huynh không tin tưởng và không dám hướng con em mình theo nghiệp bóng đá…

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm