Cầu thủ Việt Nam học gì?

Lần nào Riedl cũng đòi thắng Nhật và lần nào thua ông cũng nói do không gặp may.

Thực chất nếu không đặt cả chiếc xe buýt màu đỏ vào cầu môn như ở trận lượt đi để hạn chế thua thì rõ ràng ông Riedl vẫn chưa có cách gì hóa giải người Nhật.

Đằng sau việc Riedl muốn chơi đôi công với Nhật để lấy điểm còn là một hy vọng các học trò sẽ được kích thích tinh thần hơn cho mặt trận chính SEA Games chỉ còn hai tuần nữa.

Nhưng toan tính của Riedl đã phá sản khi đôi chân của các trụ cột phải miễn cưỡng ra sân còn cái đầu thì muốn nghỉ. Thế nên rất dễ thấy hai đàn anh Công Vinh đã tịt ngòi 10 trận rồi vẫn chột, còn Vũ Phong vừa đá vừa lo tránh đòn sợ rách thêm cái bắp vừa rách. Thậm chí, hai trụ cột này đã xin nghỉ dưỡng sức nhưng ông Riedl vẫn bắt tuần sau sang Qatar chơi thủ tục lượt cuối.

Ông Riedl tự nhận trận thua sau hay hơn trận thua trước trong khi đồng nghiệp Sorimachi thì nói ngược lại. Quan trọng hơn là cầu thủ Việt Nam đã học được gì sau cái thua đậm ấy?

Các học trò ông Riedl ba lần thua vì cái đầu của người Nhật cao hơn và ông cho rằng 3/4 sai sót dẫn đến bàn thua đều do hàng thủ. Nhưng ông lại quên nhắc đến chi tiết đáng sợ hơn từ hai quả phạt đền mà cặp trung vệ Long Giang - Xuân Hợp học rất nhanh từ lối suy nghĩ của chính ông thầy mình. Hai pha phạm lỗi trong vòng cấm để Việt Nam chịu phạt đền chỉ mới có sau lời dặn dò của Riedl từ tình huống không chịu phạm lỗi của cặp trung vệ ở trận thua Phần Lan tại Agribank Cup. Một bài học đi ngược lại với tinh thần fair-play đã được tiếp thu nhanh hơn là lối chơi đôi công để lấy điểm sau một lần thua biết mình biết người.

Hy vọng ông Riedl sẽ không dùng lại cụm từ “Không may mắn” tại SEA Games 24 bởi ở đó không có Nhật Bản!

CÔNG TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm