Hạ và taekwondo

Hạ và taekwondo ảnh 1
Trần Quang Hạ được trọng tài tuyên bố thắng trong trận chung kết Asiad 12 - 1994 - Ảnh tư liệu

13 năm trôi qua, con người này đã không còn chiếm vị trí vedette trên các trang báo thể thao, nhưng cuộc đời anh vẫn không thể thiếu taekwondo, cũng như taekwondo VN không thể thiếu anh...

Ngồi trên khán đài nhà thi đấu Nha Trang để theo dõi Giải vô địch taekwondo VN 2007, gương mặt của anh trông vẫn như xưa, nhìn thấy hiền hiền lành lành chứ không hò hét, chửi bới như nhiều người khác.

Hạ bây giờ đã là một sếp: trưởng bộ môn taekwondo của Sở TDTT TP.HCM, đồng thời là HLV trưởng đội tuyển trẻ VN. Vì vậy, cuộc trò chuyện của chúng tôi cứ bị ngắt liên tục vì anh bận phải theo dõi tìm tài năng trên thảm đấu.

Tuy nhiên, cuối cùng chúng tôi cũng "vẽ” được bức chân dung của người đàn ông 36 tuổi này, mà như anh đúc kết: "Tôi thành công nhờ sự cơ cực của thời thơ ấu".

Trưởng thành từ tuổi thơ cơ cực...

12 tuổi, Trần Quang Hạ chỉ nặng có 24kg vì nhà nghèo không đủ ăn. Vậy mà bỗng một ngày, cậu nhóc nằng nặc đòi mẹ cho đi học taekwondo. Chính vì quá mê môn võ này mà khi nghe mẹ nói "ăn còn không đủ lấy tiền đâu mà cho con đi học võ”, Hạ đã nói rằng "con sẽ nhịn ăn sáng"! Tuy nhiên, cũng mất cả năm trời Hạ mới thuyết phục được mẹ cho học võ khi vừa tròn 13 tuổi.

Đổi đời nhờ taekwondo

Ngoại trừ bóng đá, còn lại có thể nói Trần Quang Hạ là VĐV hàng đầu VN về việc nhận tiền thưởng. Cụ thể, anh nhận được tổng cộng 70 triệu đồng với HCV SEA Games 16 và 80 triệu đồng với HCV SEA Games 18. Còn với chiếc HCV Asiad 12, dù tiền thưởng chính thức chỉ 2.000 USD, nhưng nhờ thành tích này mà Hạ ký được một hợp đồng quảng cáo cho Panasonic trị giá 20.000 USD.

Tất cả số tiền đó đã giúp anh có tiền xây nhà trên miếng đất trị giá 50 lượng vàng mà quận 4 bán giảm giá 20% hồi năm 1996. Nhìn lại cuộc đời mình, anh tâm sự: "Tôi thật sự đổi đời nhờ taekwondo".

Taekwondo quả là có sức hút kỳ lạ với Hạ. Học hết giờ của lớp căn bản, anh nấn ná ở lại học tiếp lớp sau (có thi đấu) vốn chỉ dành cho các anh chị đai nâu trở lên. Người thầy đầu tiên của Hạ là ông Nguyễn Văn Vạn (sau này bị tử hình vì gây ra vụ án mạng xôn xao dư luận ở quán cà phê Linda (Q.4) cuối năm 1996) mặc dù phán: "Chưa học đánh vần đã lo đọc sách", nhưng vẫn đồng ý cho cậu học trò mê võ vào tập. Cặp mắt nhìn người của ông đã không lầm, bởi dù nhỏ con nhất trong lớp nhưng chỉ bốn tháng sau Trần Quang Hạ đã đấu thắng các anh.

Nhưng những ngày đầu tiên đến với taekowndo của Trần Quang Hạ không chỉ có thế! Những buổi tập mệt lả của anh chỉ được bồi bổ bằng những bữa ăn đạm bạc. Trưa còn có con cá miếng thịt ít ỏi để ăn qua bữa, còn bữa cơm chiều với anh chỉ là tô cơm nguội ăn với đường cát vàng, hay sang hơn là với đậu phộng. Sống và tập luyện võ thuật trong điều kiện khổ cực như thế vẫn không làm cậu bé Trần Quang Hạ thối chí! Những bữa trời mưa lớn sau buổi tập, đi ngang nhà thầy Nguyễn Văn Vạn trú mưa và được mời cơm quả là đáng nhớ với anh. Bởi có bữa dù chỉ ăn cơm với mắm thôi, nhưng nó vẫn ngon và đỡ ngán hơn là tô cơm với hũ đường đang đợi ở nhà...

... đến vang danh trên đấu trường quốc tế

Hạ và taekwondo ảnh 2
Trần Quang Hạ chăm sóc học trò trước một trận đấu - Ảnh N.K

Khổ luyện và có năng khiếu bẩm sinh, Trần Quang Hạ đã đăng quang tại Giải taekwondo toàn quốc lần đầu tiên năm 1990 và ngay sau đó là được gọi vào đội tuyển quốc gia. Thành công từ đó cứ nhanh chóng trải dài trước mặt anh. Ở kỳ tranh tài quốc tế đầu tiên tại SEA Games 16 tại Philippines 1991, anh xuất sắc đoạt HCV sau ba trận thắng.

Chiếc HCV đó được xem là một nỗ lực lớn của Trần Quang Hạ, bởi trong khi các đối thủ đều thi đấu bằng lối đánh hiện đại (đá trúng giáp kêu lớn là có điểm) thì anh và các võ sĩ VN đều đánh bằng lối cũ (đá phải xoay hông, vặn bàn chân như thi đấu thật ngoài đời) do chưa kịp cập nhập. Chính lối đánh cũ đó cộng với căn bệnh viêm xoang được bác sĩ cho uống Decogel đã khiến anh thi đấu vật vờ và thua ngay từ vòng một ở SEA Games 17 tại Singapore 1993.

Thất bại đó đã khiến anh lao vào tập luyện như điên, kể cả tìm đến thọ giáo với các HLV... điền kinh chạy cự ly ngắn, vốn cũng là môn thể thao anh yêu thích. Giải thích về lý do tại sao lại đến thọ giáo các HLV điền kinh, anh cười nói: "Taekwondo và chạy cự ly ngắn khá tương đồng, đó là sự bùng nổ và sử dụng sức bật của chân. Chính vì vậy tôi đã đi hỏi các HLV điền kinh về cách làm cổ chân nhạy và nhanh hơn để hoàn thiện thêm những đòn đá của mình".

Và điều đó khiến Trần Quang Hạ trở lại thảm đấu xuất sắc hơn tại Asiad 12 ở Nhật Bản vào năm 1994. Cũng nên nhắc lại rằng năm ấy, dự Asiad, chẳng ai dám mơ đến vàng. Vì vậy, khi Hạ vô địch, điều đó đã trở thành một cột mốc lịch sử của thể thao VN.

Một năm sau, tại SEA Games 18 ở Thái Lan, Trần Quang Hạ đoạt tiếp HCV và chính thức tuyên bố giã từ đời võ sĩ.

Taekwondo - Tình yêu của tôi!

Cố võ sư Nguyễn Văn Vạn đã có một kết thúc cuộc đời bi thảm, nhưng không thể phủ nhận ông là người có công đầu trong việc gầy dựng cái nôi taekwondo VN ở quận 4, TP.HCM. Vì vậy khi ông bị bắt, những người quản lý thể thao đã lo lắng hết sức cho chiếc nôi này có lẽ rồi cũng tan vỡ.

Tuy nhiên, người ta cũng cố vớt vát hi vọng bằng cách mời Hạ - học trò cưng của ông Vạn ngày nào, về phụ trách lò taewondo quận 4. Lúc ấy là năm 1996, và đã có không ít người không tin tưởng vào Hạ, dù là một võ sĩ tên tuổi nhưng vẫn là một HLV "vắt mũi chưa sạch"! Tự ái và cũng một phần muốn trả ơn người thầy thiếu may mắn, anh tự hứa với lòng mình phải bằng mọi giá không để phong trào bị thoái bộ.

Để thực hiện được lời hứa đó, thời gian rảnh là thứ quá xa xỉ với anh khi ngày nào cũng ra khỏi nhà lúc sáng sớm và trở về khi trời đã tối mịt. Có những hôm mưa lớn, người ta vẫn thấy anh đội mưa đi dạy, dù buổi tập lúc đó chỉ có hai võ sĩ. Sự tận tâm ấy đã khiến lũ học trò nhỏ nổi tiếng quậy ở Q.4 phục, yêu và nghe anh hơn!

Hạ và taekwondo ảnh 3
HCV đoạt được tại Giải trẻ thế giới 2006 của Trần Thị Ngọc Trúc (phải) có công lớn của Trần Quang Hạ - Ảnh N.K

Những võ sĩ "made in Trần Quang Hạ” ngày càng tăng về lượng lẫn chất. Trong đó, nổi bật nhất là Cao Trọng Chinh, Trần Thị Ngọc Bích từng đoạt HCV SEA Games 23, Hoàng Hà Giang vô địch giải trẻ thế giới 2006, hay niềm hi vọng Lê Huỳnh Châu tại Olympic Bắc Kinh 2008 và SEA Games 24. Trong đó, Huỳnh Châu (20 tuổi) và Hà Giang (16 tuổi) là kết quả của chương trình "thế hệ vàng" mà anh trực tiếp làm ở môn taekwondo.

Những ngày này anh lại đang tất bật dẫn đội tuyển taekwondo TP.HCM tham dự giải VĐQG 2007 tại Nha Trang và song song đó là tiếp tục tìm kiếm tài năng trẻ cho đội tuyển VN. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, điện thoại anh lại reo, báo rằng "ở Cần Thơ có một võ sĩ nữ trẻ có thể chất tốt lắm (13 tuổi, cao 1,65m), anh xuống nhé!". Anh hồ hởi trả lời: "Anh đang kẹt ở giải vô địch quốc gia, kết thúc là xuống ngay".

Năm nay đã tròn 36 tuổi nhưng Hạ vẫn chưa có gia đình, và hỏi thì anh hóm hỉnh: "Taekwondo là tình yêu của tôi".

&nbsp;NGUYÊN KHÔI - <EM>(Theo Tuổi Trẻ)</EM>&nbsp;

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm