Hổng chân vì sếp “Tổng”

Hậu SEA Games khi xoáy vào ông Riedl và đổ tội cho ông Riedl, VFF bắt đầu lôi ra trách nhiệm của người soạn thảo và ký hợp đồng với HLV này là ông quyền Tổng Thư ký Phan Anh Tú của khóa trước (!?).

Vì sao cầu thủ mếu nhưng ông Tổng lại cười?

Chuyện ông quyền Tổng Thư ký khóa trước Phan Anh Tú được dựng lên để che đi phần ông Tổng đương nhiệm Trần Quốc Tuấn - người được phân công theo kiểu chuyên trách và chuyên quyền.

Bắt đầu từ sân chơi Asian Cup phải là Tổng Thư ký quyết lộ trình cho ông Riedl với tư thế của một ông chủ chứ không phải ngược lại. Thậm chí, ngay trước giờ lên đường dự SEA Games, ông Tổng rất hùng hồn tuyên bố U-23 Việt Nam sẽ chơi tốt với sự tính toán khoa học của VFF (!?). Bây giờ thì chắc chắn chẳng ai lý giải được tính toán khoa học ấy dựa trên cơ sở nào. Ông Tổng Tuấn còn dẫn chứng sáu trận đấu ở vòng loại thứ ba Olympic Bắc Kinh 2008 và Agribank Cup là những cuộc tổng duyệt quý hơn vàng cho SEA Games. Thế rồi khi thất bại, người ta chỉ cố tình nhắm vào đổ tội cho một thế hệ đã gãy, cho ông HLV trưởng người nước ngoài, cho cầu thủ quá tải...

Người gần ông Riedl nhất, thân cận với ông Riedl nhất và có quyền lực với ông Riedl nhất lại là người luôn vo tròn trong cái vỏ bọc quan chức.

Nên nhớ ông Tổng Thư ký VFF ở SEA Games 24 còn là trưởng đoàn bóng đá nhưng vai trò và trách nhiệm của ông lại chỉ là một thuyết khách ngoan ngoãn lo cho ông Riedl, từ khách sạn hạng sao đến chuyện làm sao để ông Riedl đừng cáu. Ông Tổng luôn tươi cười dù trên sân cầu thủ của ông đang mếu vì quá tải, quá mệt với mật độ một năm trên 60 trận đấu.

Đặt hết quyền hành cho một người không có kinh nghiệm quản lý bóng đá

Đầu nhiệm kỳ V, khi bóng đá Việt Nam đang loay hoay tìm người ngồi vào chiếc ghế Tổng Thư ký thì nảy sinh một cuộc chạy đua vào ghế trống mà ông Phạm Ngọc Viễn để lại. Những người lo cho số phận của bóng đá Việt Nam, quyết đưa ông Viễn trở lại để thực hiện lộ trình và chiến lược dang dở nhưng đã có một cuộc vận động “đánh” không cho ông Viễn trở lại. Trong lớp ngầm “đánh” ông Viễn có những kẻ cơ hội thuộc hàng con cháu ông Viễn và cả học trò của ông Viễn.

Ban đầu ưu thế thuộc ông quyền Tổng Thư ký Phan Anh Tú nhưng thời điểm ấy, ông Tú là người của bóng đá Hà Nội và là đệ tử ruột ông Hoàng Vĩnh Giang nên đã có một cuộc vận động ngầm tẩy chay. Những người của bóng đá dần bị “đánh”, bị ganh ghét hoặc tự rút thì ông Trần Quốc Tuấn được đẩy vào sau một cuộc vận động ngầm. Ông Tuấn vào chức vụ Tổng Thư ký VFF khi các thành viên cố tình lờ đi tiêu chí “am hiểu về bóng đá và có kinh nghiệm trong quản lý bóng đá”. Cũng thời điểm ấy, có người phản ứng khi vạch ra đường hoan lộ của ông Tổng, bắt đầu từ suất trong đội điền kinh tiếp sức của Khánh Hòa để có điểm ưu tiên vào Trường đại học TDTT và đi tu nghiệp nước ngoài theo diện CÔCC. Và để che đi tiêu chí cần nhiều người lại gượng ép đưa ra yếu tố... trẻ (!?).

Và phương thức điều hành mới của VFF theo kiểu chuyên trách, chuyên quyền đã được giao hết cho ông Tổng trẻ không là người của bóng đá.

Khi VFF đang giải phẫu cơn bạo bệnh của bóng đá Việt Nam thì ông Tổng không biết vì bận đi họp ở Indonesia.

Và rồi vận mệnh của bóng đá Việt Nam cứ treo trên những cái “ba không” ấy.

Với những lần thi đấu trước, khi ông Lê Thế Thọ (cũng là cựu tuyển thủ, là giảng viên bóng đá và là chuyên gia bóng đá) còn là trưởng đoàn thì ông Thọ sẵn sàng tranh luận với ông Riedl bằng tiếng Đức dựa trên lý luận khoa học và dựa vào chuyên môn. Ông Riedl “ngán” nhất ông Thọ, không phải bởi ông Thọ hay tranh luận mà vì sự hiểu biết về bóng đá và những cơ sở khoa học thực tiễn cũng như nền tảng của ông Thọ từ thời là cầu thủ sang đến chuyên gia và được giới cầu thủ kính nể.

NH

Khi ông Tổng Thư ký VFF nhiệm kỳ III và IV Phạm Ngọc Viễn bị “ép” từ chức, chuyên viên phát triển của FIFA Paul Mony mạnh dạn can thiệp vào nội bộ bóng đá Việt Nam và đề nghị nên xem xét lại, bởi ông Viễn đang giúp bóng đá Việt Nam đi đúng lộ trình. Ông Paul Mony nói bảy năm ngồi ghế Tổng Thư ký, ông Viễn có công khai sinh ra nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và các dự án mục tiêu luôn được FIFA hỗ trợ. Ông Viễn là người đã vận động FIFA đầu tư cho VFF từ năm 1999 đến nay, mỗi năm 250.000 USD, 1.400.000 USD cho chương trình mục tiêu Goal Project, xin 450.000 USD xây trụ sở VFF... Ngoài ra, mỗi năm VFF còn nhận được 15.000 USD hỗ trợ hoạt động văn phòng từ AFF... Thế mà...

Vì sao người của bóng đá không thể ngồi trong ngôi nhà bóng đá? Cái này thì hơn ai hết là chính ngành thể thao, mà hơn hết là ủy ban TDTT khi ấy cũng phải chịu một phần trách nhiệm không nhỏ.

GH

CÔNG TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm