Ngày 16-8, Pháp Luật TP.HCM đã lên tiếng về những dấu hỏi lớn với bài “Mớ bòng bong ở Liên đoàn Quần vợt Việt Nam (LĐQV VN)”. Trong bài viết trên, chúng tôi đặt ra những vi phạm trong quy chế, việc điều hành sai điều lệ và sai cả nguyên tắc, đặc biệt những vấn đề liên quan đến tài trợ, tài chính của LĐQV VN. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là vai trò “giám sát” và quản lý về mặt nhà nước của Tổng cục TDTT. Tổng cục đã được phản ánh, báo cáo những vi phạm nhưng vẫn bỏ qua - điều này gây bất bình trong ban chấp hành LĐQV VN và những người yêu làng banh nỉ.
Đã có rất nhiều cuộc họp ban chấp hành hoặc họp thường vụ LĐQV VN diễn ra với sự tham dự và giám sát của đại diện Tổng cục TDTT, thế nhưng sau những tranh luận, các sai phạm được chỉ ra thì cuối cùng các cuộc họp cũng kết thúc trong cảnh “hòa cả làng”.
Trong khi đại hội đang chuẩn bị tiến hành kêu gọi người tài và xã hội hưởng ứng góp phần phát triển bộ môn thì nhiều người tài lẫn có công, có của lại đứng ngoài vì sợ tình trạng phe phái. Càng ngại hơn là các vấn đề tồn đọng, đơn khiếu nại cùng bằng chứng cụ thể được đưa lên các cấp có trách nhiệm chưa được giải quyết.
Lãnh đạo Becamex Bình Dương hằng năm tốn biết bao nhiêu tiền để đầu tư cho quần vợt lẫn cho những tài năng như Lý Hoàng Nam nhưng nhất quyết không tham gia bộ máy LĐQV VN khi những sai phạm chưa được làm sáng tỏ. Ảnh: MQ
Ủy viên ban chấp hành LĐQV VN Nguyễn Toàn Lực (Phó ban Phong trào, hội viên Tổng Trọng tài quốc gia) đã thẳng thắn nêu và liệt kê hàng loạt những sai phạm của LĐQV VN, từ vi phạm tài chính, vi phạm điều lệ đến sự bất lực của cơ quan quản lý nhà nước - đứng đầu là Tổng cục TDTT. Cụ thể tổ chức giải David Cup không thông qua kế hoạch tổ chức với ban chấp hành LĐQV VN, không báo thu chi, tự in vé bán và cũng không có bộ phận kiểm soát việc in ấn, thanh lý vé… Lạ lùng nhất là việc tổ chức giải Việt Nam Open xin tài trợ trên 12 tỉ đồng rồi lại ủy quyền cho công ty tư nhân tổ chức hết các khoản chi và chỉ giao lại cho LĐQV 200 triệu đồng (!?).
Nhiệm kỳ V của LĐQV VN phải kết thúc từ giữa năm 2015 nhưng đến nay vẫn bị kéo dài ra và thậm chí là một phó chủ tịch kiêm tổng thư ký còn “vượt khung” ký hợp đồng trách nhiệm cho một công ty “đối tác” được độc quyền tổ chức giải trong ba năm (tức nằm ngoài nhiệm kỳ V).
Nếu đúng theo quy trình thì LĐQV VN phải tiến hành đại hội ban chấp hành và bầu bán cho bộ máy với thành phần nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, 1,5 năm qua việc làm bắt buộc này cứ bị kéo dài với đủ mọi lý do trong khi sự lộng quyền, làm trái các nguyên tắc tài chính, điều lệ tổ chức của một vài nhân vật có quyền hành cao nhất ở liên đoàn cứ diễn ra nhan nhản.
Tay trái ký hợp đồng với... tay phải Theo báo Lao Động ngày 1-10, đại diện LĐQV VN là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Kỳ đã ký kết với một công ty “độc quyền sở hữu, thụ hưởng và toàn quyền khai thác giải đấu của LĐQV VN” mà người đại diện pháp luật của công ty này cũng chính là ông phó chủ tịch kiêm tổng thư ký (!?). Ngoài ra, phó giám đốc công ty trên lại là con trai của tổng cục trưởng Tổng cục TDTT và điều này khiến ban chấp hành LĐQV VN có quyền nghi ngờ vì sao Tổng cục TDTT ngó lơ không giải quyết những sai phạm của LĐQV VN.. |