Một “bố”, 16 “con”

Ngày bầu Đức quyết lòng cho công nhân chặt vạt rừng cao su quý để xây học viện bóng đá cũng là lúc có chuyến xe lặng lẽ vượt hơn 500 cây số đường rừng đưa 16 cầu thủ nhí về ngôi nhà mới đóng tại Trung tâm Huấn luyện quốc gia II (TTHLQG II).

Một “bố”...

Anh Võ Bá Huy (anh ruột của cầu thủ Võ Bá Khôi đã tử nạn ở Pleiku) được bầu Đức tin tưởng giao trực chiến bên đám nhỏ. “Độc thân vui tính”, say mê với công việc “chăn” đám nhỏ, Bá Huy yêu việc huấn luyện và ở luôn bên đám nhỏ cả ngày lẫn đêm không khác gì ông bố trẻ chăm chút cho 16 đứa con.

Huy kể lại một cách thích thú: “Tôi bây giờ chẳng khác nào ông bố thành thục hết mọi việc nuôi con mọn. Qua thời gian, tôi xác nhận để gắn bó phải thật nhiệt tình, hiểu biết chút ít chuyên môn và... phải là nhà sư phạm, tâm lý học nữa!”.

Huy kể chuyện cười ra nước mắt: “Ngày đầu mới đến, bồn toilet quá cao, bọn nhóc thì thấp, thế là chúng “xả” ngay xuống sàn mà không dội nước. Chu choa, sáng ra lao công la chí chóe. Bọn nhóc đứng nhìn nhau cười...”. Lần ấy, bài vỡ lòng của anh là xách nước dọn dẹp mệt đứ đừ.

Giờ thì Huy tự hào vì mọi chuyện đã đi vào nề nếp. Thế nhưng hết tình huống này thì tình huống khác nảy sinh hệt như bóng đá trên sân vậy. Vài em vào thời kỳ phát dục, ngủ dậy “có chuyện”, bạn bè chỉ trỏ nhau cười bí hiểm rồi la um sùm. Thế là Huy lại phải tư vấn và trấn an bọn nhóc bắt đầu với câu: “Hồi đấy, thầy cũng thế...”.

Tế nhị, ông thầy phải đi sắm đồ lót về hướng dẫn cách cho bọn trẻ sử dụng.

Huy đưa cho chúng tôi xem tập sách photo dày gần 1.000 trang, đủ hình ảnh các cấu trúc hình thể, có chú thích chức năng từng bộ phận cơ thể người. “Bửu bối” này đã giúp anh “gỡ rối tơ lòng” những thắc mắc hóc búa của đám con trai nhóc.

Ông “bố” của 16 “đứa con” tâm sự: “Ngày đầu đến với bọn trẻ chỉ là trách nhiệm. Nhưng qua năm tháng, hình như cuộc sống của tôi không thể thiếu bọn nhóc. Hôm chúng về nghỉ Tết, tôi bận công chuyện nên khi về đến nơi thì xe chở bọn trẻ đã chạy. Nhìn mấy phòng trơ trọi, vắng lặng, ông thầy trong tôi tự dưng ứa nước mắt vì cô đơn và nhớ bọn nhỏ...”.

... Và 16 “con”

Chuyện về lũ nhóc thì nhiều vô kể. Riêng cách láu cá thôi đủ khiến “mũi dại, lái chịu đòn” mà nếu không có lòng vị tha và yêu trẻ thì dễ nổi cáu lắm.

Phơi quần áo gần cửa sổ, gió thổi bay xuống tầng dưới, rơi vào phòng tắm mấy VĐV nữ. Vậy là a lê hấp hai, ba đứa xuống canh ngoài cửa rồi chạy ào vào nhặt và quay đầu... chạy. Tưởng đâu bị chôm “hàng hiệu”, mấy chị la ỏm tỏi. Ông “bố” phải đến từng phòng mấy chị gãi đầu bứt tai giải thích sự cố để mấy chị thông cảm.

Phút thư giãn nghịch ngợm của đám nhóc. Ảnh: VÂN VŨ
Phút thư giãn nghịch ngợm của đám nhóc. Ảnh: VÂN VŨ

Huy bảo mình thuộc lòng nết từng đứa. Nhóc Cil Mup Halet (dân tộc Nùng) đen nhẻm hay bày trò chơi nhảy hip hop. Kim Hùng, A Hoàng, A Sân lại khoái rủ nhau nhảy đúng kiểu “vua nhạc pop” Michael Jackson. “Chú út” Y Chơn Mlô (người Êđê) 10 tuổi lại thích phô trương điệu “rock rừng” của núi rừng Tây Nguyên.

Huy nói: “Đám này cũng lạ lắm, hở ra là chúng bày trò. Chơi sao cho hay, cho hơn đám bạn thì chúng mới chịu. Mình theo mà mệt nhưng vui lắm”.

Trong “đám con” 16 đứa, Huy kể có nhóc Hoàng Thống là con trai độc của đôi vợ chồng trẻ ở Đồng Nai. Đêm đêm bé Thống thường nhớ nhà, không dám khóc và chỉ chờ có ai hỏi đến là chảy nước mắt rồi nấc lên.

“Giờ thì các em đỡ nhiều rồi, chứ hồi mới lên, giữ thói ở nhà, lên bàn ăn, thức ăn ê hề nhưng chỉ lo nuốt cơm canh no bụng. Đến chừng ăn tráng miệng thì lại không ăn được. Ngược lại, cũng có cháu mấy ngày đầu ăn ngon quá thành lố. No đến ọc ạch cái bụng ra sân chạy không nổi...” - Huy kể mà cười.

Khoanh tay giám sát cả khi tan hàng và sinh hoạt nghịch ngợm.
Khoanh tay giám sát cả khi tan hàng và sinh hoạt nghịch ngợm.

Vấn đề học văn hóa của các nhóc cũng lắm chuyện vui. Chiều lên lớp với thầy cô nhưng đến tối về phòng thì “bố” Huy bao tiêu hết. Mọi thắc mắc văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử, địa lý... khiến ông thầy dù là kỹ sư Đại học Bách khoa, từng đi dạy trường cao đẳng đôi lúc phải ngất ngư bởi chúng ham đá bóng hơn ham học.

Cứ thế, cứ thế sáng sáng “bố” và 16 “con” cứ như đàn gà “ra chuồng” chăm chút cho nhau từng tý cả trên sân bóng lẫn những thời gian học văn hóa và rèn dũa từ tuổi lên 10...

Sau năm tháng tiếp xúc bài học cơ bản, hiện lớp dần được tách thành hai nhóm. Nhóm một có tám nhóc, mà qua mắt ông thầy Matthieu là tiến bộ vượt bậc, được ưu tiên tập vào sáng sớm đến 9 giờ. Sau đó, nhóm hai tự động vào thay chỗ.

Theo chuyên gia người Pháp: “Không phân biệt đối xử mà đấy là cách tạo ra tư tưởng tranh ngôi “thủ lĩnh” - một yếu tố rất cần trong trong đào tạo bóng đá trẻ. Sắp đặt để sinh tính ganh đua, đẩy ý chí, lòng kiêu hãnh vào thế đua từng bài học. Sự ích kỷ trở thành động lực cần thiết khắc dấu ý chí chiến thắng sau này”.

VÂN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm