Từ vụ trọng tài Võ Minh Trí bị hành hung: Lửa và khói

1. Lần ông Hải “lơ” bị phạt nặng nhất là hồi còn dẫn dắt Thanh Hóa năm ngoái, với lỗi phản ứng trọng tài Ngô Quốc Hưng trên sân khách Hàng Đẫy chỉ phải đóng 5 triệu đồng và đình chỉ hai trận. Sau đó mấy vòng, ông Hải ở sân Pleiku tiếp tục “quậy” trọng tài Nguyễn Văn Quyết như một mồi lửa cho học trò ông lao vào đá trúng ống đồng trọng tài nhưng ông lại thoát án.

Hồi làm trợ lý cho HLV Mai Đức Chung dự cúp Merdeka tại Malaysia, ông Hải bị cho lên khán đài ngồi vì lỗi tranh cãi với trọng tài. Lần ấy trọng tài ngoại và các giám sát không hiểu ông Hải nói gì nhưng khán giả Việt Nam xem trực tiếp truyền hình thì nhiều người xấu hổ khi nghe rõ mồn một những tràng chửi tục rất nặng nề mà ông tuôn ra.

Ở V-League, ông sẵn sàng thách đấu với CĐV và gây hấn với báo chí ở trên sân lẫn trong phòng họp báo. Ông chê trọng tài Nguyễn Trọng Thư là “cái thằng mặt như bị bệnh down, chỉ đáng cầm còi giải cấp phường” và chỉ trích trọng tài Võ Minh Trí là người “giết bóng đá”.

Từ vụ trọng tài Võ Minh Trí bị hành hung: Lửa và khói ảnh 1

HLV Lê Thụy Hải châm mồi lửa cho các cầu thủ nóng trong sân và CĐV nóng trên khán đài. Ảnh: DƯƠNG THU

Cơn giận dữ của ông Hải chiều 13-5 đã làm mồi lửa cho nhiều người. Từ các trợ lý của ông đến các cầu thủ trên sân liên tục lao ra hoặc xông vào chửi bới trọng tài Trí rồi đe dọa gây áp lực. Nó cũng tạo cho chính các CĐV Hải Phòng hiểu sai về trận đấu và cho rằng đội bóng mình bị ép nên mới thua, dù ai hiểu về chuyên môn cũng khẳng định V. Hải Phòng thua vì chuyên môn yếu và phong cách kém.

2. Hành vi tấn công trọng tài sau trận đấu ở ngoài sân của các CĐV mà ông trưởng giải xác định là Hải Phòng như một đám khói độc mù mịt trong làng bóng. Bởi lâu nay, trọng tài bị chửi rủa, bị đòi giết, bị bao vây, bị đánh lén,… vẫn diễn ra trên sân cỏ nhưng ở ngoài sân bóng mà bị hội đồng như thế thì rất nguy hiểm.

Biết bao vụ án gây chấn động làng bóng do CĐV Hải Phòng gây ra nhưng việc xác định thủ phạm và nâng cao tính răn đe của BTC vẫn chưa thỏa đáng.

BTC đã mất kiểm soát và có suy nghĩ bình thường hóa với những hành vi manh động mang tính côn đồ của các CĐV Hải Phòng rồi bất lực qua các vụ xử kiểu giơ cao đánh khẽ. Nó thể hiện qua việc giảm án cấm cửa CĐV Hải Phòng sau lần họ đánh nhau với công an sau trận đấu ở sân Hàng Đẫy ở mùa trước.

Còn ai dám đến Hải Phòng tổ chức thi đấu bóng đá khi ở đấy ẩn chứa quá nhiều mầm mống rủi ro đến tính mạng, vượt qua phạm vi của một cuộc chơi. Họ quậy từ sân nhà đến sân khách với “đặc sản” pháo sáng, lời lẽ tục tĩu, ném vật thể bay...

Ngay từ bây giờ, tư tưởng ăn không được phá cho hôi và không còn gì để mất của CĐV Hải Phòng cần bị nghiêm trị bởi nó đã vượt ra khỏi phạm vi bóng đá rồi.

Những vụ nổi cộm của các CĐV Hải Phòng

- Năm 2008, CĐV Hải Phòng va chạm với các CĐV SL Nghệ An ở sân Vinh, sau đó một chiếc xe chở CĐV Hải Phòng trên đường tháo chạy đã cán chết một CĐV đội chủ nhà.

- Mùa 2009, các CĐV Hải Phòng đến sân Vinh mang theo mã tấu, dao, kiếm, pháo sáng và ẩu đả với lực lượng bảo vệ ngay tại trạm thu phí ở Nghệ An.

- Cũng năm 2009, CĐV Hải Phòng xô xát với lực lượng an ninh sau trận đấu với Thể Công ở cúp Quốc gia.

- Năm 2010, các CĐV Hải Phòng đánh nhau ở sân Hàng Đẫy sau màn phun pháo sáng mịt mù.

- Mùa 2012 là màn khủng bố trong và ngoài sân Thanh Hóa ở vòng 9 và giọt nước cuối cùng làm tràn ly chịu đựng của các CĐV chân chính là tấn công trọng tài Trí ngay trong đêm 13-5.

Tổng cục TDTT chỉ đạo LĐBĐ VN xử lý gấp vụ trọng tài Trí bị hành hung

Ngay sau khi BTC giải gửi báo cáo lên Tổng cục TDTT về vụ trọng tài Võ Minh Trí bị tấn công, Tổng cục TDTT đã có công văn chỉ đạo ngay. Theo đó Tổng cục yêu cầu LĐBĐ VN cần nhanh chóng phối hợp với cơ quan chức năng, các bộ phận chuyên môn khác nhằm xử lý dứt điểm vụ việc, tìm ra những kẻ đã hành hung trọng tài Trí. Công văn nêu rõ: “…Đây là một sự cố nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động thi đấu bóng đá, cũng như môi trường văn hóa cổ vũ bóng đá và các môn thể thao nói chung…”.

Tổng cục yêu cầu LĐBĐ VN ngoài việc khẩn trương làm việc với cơ quan chức năng, Bộ Công an truy tìm và xử lý pháp luật những đối tượng tham gia hành hung trọng tài Trí, còn phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho lực lượng trọng tài, giám sát tham gia điều hành giải.

DA

Giảng viên Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự - ĐH Luật TP.HCM:

Phải chờ kết quả giám định…

Tại Điều 104 của Bộ luật Hình sự quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỉ lệ thương tật từ 11% trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cũng tại Điều 104 từ điểm a đến điểm k khoản 1, nêu người nào cố ý gây thương tích cho người khác với tỉ lệ thương tật dưới 11% vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp: Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho người khác, gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; phạm tội nhiều lần đối với cùng một người, hoặc đối với nhiều người. Trường hợp này phải chờ kết quả giám định thương tật của trọng tài Trí…

T.PHƯỚC ghi

Luật sư Trần Văn Toản, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Đã đủ yếu tố khởi tố vụ án cố ý gây thương tích

Trọng tài là những người đang thực hiện nhiệm vụ do tổ chức giao. Họ phải được pháp luật bảo vệ để những người khác còn có thể yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Vì vậy, pháp luật cần phải xử lý nghiêm những đối tượng tham gia hành hung trọng tài. Trước mắt, cơ quan chức năng cần trưng cầu giám định tỉ lệ thương tật của người bị hại. Nếu tỉ lệ dưới 11% thì vẫn có thể khởi tố vì đây là trường hợp nhiều người hành hung một người. Mặc dù đã được người khác can ngăn nhưng sau đó vẫn tiếp tục hành hung thì rõ ràng đây là hành vi có tính chất côn đồ. Theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự thì những đối tượng này có thể chịu hình phạt từ sáu tháng đến ba năm tù.

TIẾN HIỂU ghi

GIA HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm