Môi trường và sức ép từ phát triển đô thị

Ngày 24-8, Sở TN&MT TP.HCM đã tổ chức hội thảo nhằm báo cáo hiện trạng môi trường TP.HCM năm năm (2011 – 2015). Chương trình do bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM chủ trì.

Từ hoạt động xây dựng…

Nói đến TP.HCM là chúng ta đều nghĩ tới một vùng đất năng động, phát triển kinh tế nhanh, đáp ứng tốt với các yêu cầu về phát triển. Nơi đây có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm trong giai đoạn 2011 – 2015 trung bình 9,6%/năm. Tình hình kinh tế TP đạt được nhiều kết quả khả quan trong từng lĩnh vực khác nhau.

TP luôn cần một lượng lớn nguồn lực đáp ứng cho các hoạt động, bao gồm cả nguồn lực địa phương lẫn người dân di cư từ nơi khác. Chính sức ép gia tăng dân số đã gây ra nhiều hệ lụy về vấn đề nhà ở, an toàn trật tự xã hội, giữ gìn đô thị, bảo vệ môi trường…

Một trong những tác phẩm phản ánh tình trạng ô nhiễm do nhiếp ảnh gia Vũ Bảo Khánh thực hiện.

Theo báo cáo hiện trạng môi trường TP.HCM năm năm (2011 – 2015), trong các hoạt động xây dựng, so với năm 2010, thải lượng TSP (tổng bụi lơ lửng) năm 2014 tăng thêm 0,26 tấn, trung bình toàn giai đoạn thải lượng TSP là 1,25 tấn/năm. Tại 15 vị trí quan trắc, hàm lượng trung bình giờ của bụi lơ lửng trong không khí dao động trong khoảng 163,42 – 607,08 μg/m3. 45,45% giá trị quan trắc không đạt quy chuẩn, nồng độ bụi lơ lửng trung bình 300 μg/m3/giờ. Tỉ lệ số liệu vượt quy chuẩn tại các vị trí quan trắc dao động từ 3,33% – 99,26%.

Tại hội thảo Giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực quan trắc môi trường cho TP.HCM do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức mới đây, nhóm chuyên gia đến từ Đức, cho biết bụi mịn phát sinh từ động cơ ô tô, xe máy, mài mòn từ bánh xe, má phanh… Được gọi là bụi mịn khi chúng có kích cỡ rất nhỏ. Hạt bụi có kích thước PM10µm sẽ xâm nhập vào mũi, PM 2,5µm xâm nhập vào phổi và nano PM (<0,1 µm) sẽ xâm nhập vào máu. Vì kích thước nhỏ nên chúng dễ len lỏi vào cơ thể, gây ra nguy cơ bệnh tật như tiểu đường và các bệnh trao đổi chất; Alzheimer, suy giảm trí nhớ, tim mạch. Báo cáo từ Sở TN&MT TP.HCM cho thấy thải lượng PM10µm chiếm tỉ lệ xấp xỉ 50% so với thải lượng TSP. Nồng độ trung bình của PM10µm trong năm 2014 dao động vào khoảng 73,12 – 120,44 μg/m3. Thống kê toàn bộ số liệu quan trắc tại năm vị trí có 88,59% số liệu quan trắc đạt quy chuẩn.

…Và phương tiện giao thông

Tính đến tháng 6-2015, TP có 7,15 triệu phương tiện gồm xe ô tô, mô tô, xe máy đăng ký lưu hành. Số lượng này đã tăng gần 60% so với năm 2009 và trong tương lai lượng phương tiện giao thông sẽ tăng theo sự gia tăng dân số. Điều này góp phần gia tăng nồng độ bụi, cường độ ồn, ô nhiễm không khí tại TP.HCM. Được biết tại 10 vị trí giao thông, 64,96% số liệu bụi quan trắc và 85,40% số liệu mức ồn quan trắc đều vượt quy chuẩn. Từ đây chúng ta có thể thấy rằng hoạt động giao thông vận tải không chỉ gia tăng sức ép lên vấn đề đô thị mà còn tác động lớn đến môi trường tự nhiên và xã hội của TP.

Ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn TP.HCM chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra. Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại khu vực ngã tư An Sương ở mức cao nhất trong 15 vị trí quan trắc chất lượng không khí. Tuy nhiên nhìn chung các con số trên đã có xu hướng giảm hơn so với năm 2012 và 2013. Riêng vị trí Phú Lâm, nồng độ bụi có xu hướng gia tăng và có độ biến động mạnh so với các năm. Điều này được lý giải do hoạt động thi công cải tạo tuyến kênh Tân Hoá – Lò Gốm và cầu Ông Buông diễn ra trong khu vực nên làm tăng mật độ xe lưu thông qua nơi đây. Đặc biệt là xe tải vận chuyển cát, đá, vật liệu, bùn phục vụ cho công trình.

TP đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ thể chế, chính sách, tài chính, đầu tư đến giám sát, quan trắc, cảnh báo ô nhiễm môi trường. Gánh nặng trên vai Sở TN&MT TPHCM ngày càng nặng nề hơn khi ngày càng nhiều áp lực, nhiều vấn đề cần giải quyết. Tuy thế, sự hợp tác của cộng đồng sẽ giúp tăng thêm tính hiệu quả trong các hoạt động bảo vệ môi trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm